Hành trình vượt hàng nghìn kilômét tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên

Hành trình khởi đầu

02h sáng ngày 12/5/2019. Khi tất cả mọi cảnh vật đều chìm trong màn đêm tĩnh lặng. Chúng tôi, những thành viên trong đoàn công tác của Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 769/QĐ-SNN ngày 08/5/2019 của Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Hà Nội về việc tái thả động vật hoang dã (ĐVHD) sau cứu hộ về môi trường tự nhiên tại Vườn Quốc gia Cát Tiên – tỉnh Đồng Nai, đã có mặt tại đơn vị.

Tất cả bắt tay vào chuẩn bị cho chuyến công tác xa lần này. Với ánh sáng từ những chiếc đèn pin trên tay. Chúng tôi cẩn thận chuyển hết 38 cá thể ĐVHD được tái thả lần này (20 cá thể Khỉ đuôi dài, 08 cá thể Khỉ đuôi lợn và 10 cá thể Rùa đất lớn) lên chiếc xe ô tô Ford 30 chỗ, đã được tháo hết các ghế ngồi phía sau để lấy chỗ xếp các thùng đựng động vật. Các cá thể ĐVHD được nhốt trong các thùng nhựa và thùng xốp, có lắp đậy lưới lỗ nhỏ để thông hơi và thuận tiện trong việc cho ăn và kiểm tra tình hình sức khỏe động vật trên đường đi. Mỗi cá thể 1 ô, tùy vào trọng lượng cơ thể của chúng. Cùng với đó là đầy đủ các dụng cụ cần thiết cho chuyến đi (thức ăn cho ĐVHD, dụng cụ y tế, dụng cụ cứu hộ…).

 

(Hình ảnh: Đoàn công tác vận chuyển động vật hoang dã đến nơi tái thả)

Do điểm tái thả động vật hoang dã ở xa, đồng thời phải đảm bảo sức khỏe cho động vật; nên đoàn chúng tôi sẽ chạy xe liên tục, để đến được nơi tái thả nhanh nhất. Trước khi đi, Chúng tôi đã tính toán kỹ các phương án và cung đường để xe đến điểm tập kết, các cá thể động vật hoang dã được tái thả có đủ thời gian được ăn uống, hồi sức trước khi đưa vào rừng. Mọi thứ được hoàn tất, mặc dù vào giữa đêm khuya, nhưng ai lấy đều ướt nhẹp mồ hôi.

03h sáng, chiếc ô tô từ từ lăn bánh qua cánh cổng Trung tâm, đưa chúng tôi đến một vùng đất xa xôi cách Hà Nội gần hai nghìn ki lô mét. Mặc dù biết đây sẽ là một chuyến đi dài và đầy vất vả, nhưng mỗi thành viên trong đoàn công tác đều cảm thấy vui và đầy phấn chấn. Vì các cá thể động vật hoang dã được chúng tôi cứu hộ, chăm sóc, nuôi dưỡng hàng ngày; bây giờ sắp được trở về với nơi chúng thuộc về, ngôi nhà thiên nhiên.

Các cá thể động vật hoang dã được tái thả lần này, đa phần do các cơ quan chức năng tịch thu, bắt giữ trong quá trình buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt trái pháp luật và một phần của người dân tự nguyện giao nộp, hiến tặng. Sau thời gian được cứu hộ, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi các tập tính tự nhiên; các cá thể trên được tái thả về môi trường tự nhiên tại Vườn quốc gia Cát Tiên – tỉnh Đồng Nai.

Trên đường đi, chúng tôi thường xuyên thay nhau kiểm tra tình hình sức khỏe của các cá thể động vật hoang dã. Bổ sung nước vào thùng xốp cho các cá thể Rùa; đối với các cá thể Khỉ, chúng tôi tăng cường dưa hấu để giải nhiệt và bù nước. Có lẽ cảm nhận rằng sắp được trở về với tự nhiên, nên suốt chặng đường đi, chúng “reo hò” không ngớt; khiến các thành viên trong đoàn chúng tôi cũng quên đi cái mệt mỏi, mà thay vào đó là niềm vui vì những thành quả của mình, những thành quả trong công tác cứu hộ.

Đến điểm tập kết

18h00 ngày 13/5/2019, sau 39 tiếng đồng hồ chạy xe vượt quãng đường gần 2.000km, đoàn chúng tôi đã đặt chân tới Vườn quốc gia Cát Tiên; đây là một khu bảo tồn thiên nhiên lớn, có diện tích 71.920 ha, nằm trên địa phận 3 tỉnh: Đồng Nai; Bình Phước và Lâm Đồng. Là một trong những khu dự trữ sinh quyển lớn thế giới ở Việt Nam; có hệ động, thực vật nguyên sinh phong phú, đa dạng. Do nghiên cứu kỹ đặc điểm sinh thái của Vườn quốc gia Cát Tiên phù hợp với loài động vật hoang dã tại Trung tâm, nên nơi đây được chúng tôi chọn lựa cho việc tổ chức tái thả lần này.

Đặt chân đến Vườn, điều đầu tiên đoàn chúng tôi cảm nhận được đây là nơi có hệ sinh thái phong phú và đa dạng loài. Trải dài suốt tầm mắt là những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn một màu xanh. Trên quãng đường di chuyển từ cổng Vườn đến trụ sở (khoảng 15km) chúng tôi bắt gặp nhiều loài động vật hoang dã như: gà rừng, hươu nai, khỉ đuôi dài…tất cả đang mải mê kiếm ăn 2 bên bìa rừng và đặc biệt được nghe “dàn đồng ca” với đầy đủ các âm thanh, tiếng hót từ các loài chim, vượn đen má trắng. Có lẽ do công tác bảo vệ nghiêm ngặt tại nơi đây, nên các cá thể động vật hoang dã cảm nhận được cuộc sống an toàn; do vậy mà chúng không hề có cảm giác sợ hãi khi đoàn chúng tôi xuất hiện; một cảm nhận mà chúng tôi chưa gặp được ở những nơi đã từng đặt chân đến. Cảm nhận được hơi thở của thiên nhiên, các cá thể trên xe bắt đầu phát ra những âm thanh vốn có của chúng; một sự vui mừng, vui mừng khi ngày mai thôi, tất cả trong số chúng sẽ được trở về với đồng loại, trở về với tự nhiên, về với ngôi nhà của chúng.

Xuyên rừng

06h00’ sáng ngày 14/5/2019, cả đoàn lên đường đến nơi tái thả động vật. Đưa chúng tôi đến nơi tái thả là chiếc ô tô “mui trần” chuyên dụng để đi rừng. Nơi tái thả là một vị trí sâu trong rừng hơn 60km; con đường đất đỏ chạy giữa rừng lầy lội, gập ghềnh, còn đọng lại những vũng nước lớn sau trận mưa đêm qua, thỉnh thoảng bánh xe sa vào rãnh sâu khiến chiếc xe nghiêng ngả như chực đổ. Ngồi trên thùng xe, đoàn chúng tôi được anh Việt (Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Cát Tiên) kể cho nghe những câu chuyện về cuộc sống của các loài động vật hoang dã nơi đây, gắn với từng chặng hành trình. Tất cả sống động như những thước phim được trình chiếu giữa rừng. Cả đoàn như được hòa mình vào thiên nhiên, với cánh rừng xanh, những âm thanh sôi động của các loài động vật hoang dã. Đang cảm nhận được tất cả hương vị của khu rừng nguyên sinh bao la, anh bạn dẫn đường hô to “cúi đầu xuống”; cả đoàn chẳng kịp hiểu chuyện gì liền cúi rạp người xuống thùng xe; thì ra trên quãng đường đi gặp những cành cây gãy, đổ còn lơ lửng phải cúi xuống để tránh va quệt bị thương.

Đi được khoảng hơn 10km, đoàn có mặt tại bãi thả đầu tiên, nơi tái thả các cá thể Rùa đất lớn. Đó là một hồ nước khá lớn, hai bên bờ cây cối xanh mướt với những bụi cỏ. Nhẹ nhàng di chuyển những thùng chứa động vật xuống xe, chúng tôi rải đều các thùng xốp (mỗi thùng xốp chứa 01 cá thể Rùa đất lớn) dọc bờ hồ với khoảng cách từ 400m đến 500m/thùng. Thùng đầu tiên được mở nắp, cá thể Rùa thò chiếc cổ dài ra hít hơi thám thính; vì muốn để chúng thật tự nhiên, tất cả đứng im lặng xung quanh quan sát. Dường như cảm nhận được hơi thở thiên nhiên, chúng chẳng còn e dè nhút nhát như thường ngày mà lao nhanh về phía lòng hồ đầy nước. Cứ tuần tự như vậy cho đến cá thể Rùa đất lớn cuối cùng được tái thả.

 

(Hình ảnh: Các cá thể Rùa đất lớn được tái thả về với tự nhiên)

Tiếp tục hành trình, đoàn chúng tôi vượt qua những cánh rừng luồng rậm rạp, đan xen nhau. Đường càng vào sâu trong rừng càng nhỏ hẹp, lại càng gồ ghề khó đi. Những cành, cây sau trận mưa đêm trước còn gãy đổ, vắt ngang con đường đất đỏ, chặn lối xe của đoàn đi. Anh bạn lái xe dẫn đường nhanh nhẹn nhảy xuống khỏi buồng lái, chặt những cành cây gãy đổ để thông đường; con dao đi rừng sắc lẹm, từng nhát, từng nhát được đưa xuống những cành cây ào ào đổ, con đường phía trước lại hiện ra. Trên hành trình đấy, đoàn chúng tôi phải qua khu vực cứu hộ Voi giữa rừng; đó là một khu vực rộng lớn, có hàng rào điện xung quanh (ngăn các cá thể Voi xuống rừng phá hoại mùa màng của người dân), cây cối rậm rạp và um tùm hơn. Trên đường đi, vẫn còn lưu lại những dấu tích một cuộc di chuyển của đàn Voi. Tuy không phải đối mặt với chúng, nhưng tất cả đều có một cảm giác hồi hộp xen lẫn hy vọng may mắn sẽ được tận mắt nhìn thấy cuộc sống tự nhiên của chúng.

Xe dừng lại tại một khoảng rừng Lồ ô, đan xen là những cây Điều và được quấn quanh bởi những cây dây leo chằng chịt; địa điểm sẽ tiến hành tái thả các cá thể Khỉ còn lại. Do đặc điểm của loài Khỉ là sống và kiếm ăn theo bầy đàn, nên tất cả 28 cá thể Khỉ được chuyển xuống xe, tập trung tại một bãi cỏ rộng. Các công việc chuẩn bị được hoàn thành, lần lượt nắp thùng được mở ra; từng cá thể nhảy vọt ra khỏi thùng, lao vút lên các cành cây; cảm giác sung sướng khi được trở về “nhà”, nên chúng nhanh chóng quên đi cảm giác mệt mỏi trên suốt quãng đường di chuyển, hòa mình vào tự nhiên; chúng nhanh chóng tạo thành đàn, rồi di chuyển vào rừng sâu. Đợi cho những cá thể Khỉ cuối cùng khuất dần trong cánh rừng xanh, đoàn chúng tôi thu dọn đồ dùng, dụng cụ lên xe trở về.

 

(Hình ảnh: Các cá thể Khỉ sung sướng khi được trở về tự nhiên)

Công việc tái thả động vật hoang dã trở về tự nhiên đã hoàn tất sau một hành trình dài. Đoàn chúng tôi quay trở về Vườn, tinh thần phấn khởi hiện rõ trên từng nét mặt, quên đi cái mệt mỏi, cái nắng chói chang của miền Đông Nam Bộ. Phía trước, một chặng đường trở về gần 2.000km đang chờ!

Nguyễn Đình Văn -Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 3070
Tổng lượng truy cập: 22014411