Không chủ quan, lơ là trong phòng, chống cháy rừng dịp Tết và mùa lễ hội
Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội đầu xuân 2021 cũng là giai đoạn mùa khô, thông thường dịp này, lượng khách du lịch đến các điểm du lịch sinh thái, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn thành phố khá đông nên nguy cơ cháy rừng rất cao nếu sơ xuất trong sử dụng lửa. Đây là thời điểm mà lực lượng kiểm lâm phải “căng mình” để bảo vệ rừng. Trao đổi về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết: Không thể chủ quan, lơ là trong phòng, chống cháy rừng dịp Tết và mùa lễ hội.

Các lực lượng chức năng diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng tại xã Vân Hòa (huyện Ba Vì)

 

- Chủ động các biện pháp phòng, chống cháy rừng được Hà Nội xác định là nhiệm vụ cấp thiết, thường xuyên, ông có thể chia sẻ về vấn đề này?

 

- Hà Nội có diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng không nhiều, hơn 27.000ha được phân bố trên địa bàn 7 huyện, thị xã (Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất), nhưng có nhiệm vụ, vai trò đặc biệt quan trọng, là “lá phổi xanh” điều hòa khí hậu của Thủ đô. Rừng của Hà Nội là nơi cư trú động thực vật và tàng trữ các nguồn gen quý hiếm. Rừng của Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nhận thức rõ tầm quan trọng, công tác bảo vệ rừng, nhất là phòng, chống cháy rừng luôn được các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở rất quan tâm. Là cơ quan chuyên quản về lĩnh vực này, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã giao Chi cục Kiểm lâm Hà Nội triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tích cực quản lý, bảo vệ rừng, trọng tâm là công tác phòng, chống cháy rừng, đặc biệt là trong dịp lễ, Tết và các đợt nắng nóng kéo dài. Những việc làm cụ thể trong công tác phòng, chống cháy rừng mà Chi cục đã thực hiện trong thời gian qua được Bộ NN&PTNT và các cấp, các ngành thành phố Hà Nội đánh giá rất cao.

 

Xác định vai trò của rừng là rất quan trọng trong đời sống, sản xuất, môi trường và xã hội, tại cơ sở, các cấp chính quyền địa phương cũng vào cuộc rất tích cực, đồng thời, phối hợp với ngành Nông nghiệp Hà Nội trong công tác phòng, chống cháy rừng. Nhiều địa phương đã thành lập các tổ xung kích, nòng cốt là các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia tuyên truyền, vận động và trực tiếp tổ chức công tác phòng, chống cháy rừng. Các địa phương cũng trang bị đầy đủ công cụ, dụng cụ, máy móc hỗ trợ cho công tác chữa cháy rừng. Cùng đó, các lực lượng công an, quân đội đóng trên địa bàn cũng đã vào cuộc tích cực thực hiện nhiệm vụ này, do đó, các vụ cháy rừng xảy ra đều được phát hiện, dập tắt kịp thời.

 

- Mặc dù vào cuộc rất tích cực, thế nhưng tình trạng cháy rừng vẫn xảy ra, nhất là vào dịp lễ, Tết, phải chăng còn những bất cập trong công tác này thưa ông?

 

- Đúng vậy. Bên cạnh thuận lợi là cơ bản, trong công tác phòng PCCC rừng trên địa bàn thành phố vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Trước hết phải nói đến là ý thức của một số người dân còn hạn chế, tình trạng sử dụng lửa bừa bãi ở các khu vực gần rừng, thậm chí diễn ra cả ở trong rừng. Nhiều người vì thiếu hiểu biết về công tác PCCC rừng hoặc có biết nhưng ý thức kém, không thấy lợi ích mà rừng đã và đang đem lại đã dẫn đến một số vụ cháy rừng thời gian qua. Trong khi đó, lực lượng tham gia công tác bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng ở cơ sở còn mỏng và phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ của địa phương nên có nơi, có thời điểm chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ rừng. Nhiều vụ cháy rừng chưa làm rõ được người gây ra cháy rừng. Mặt khác, rừng Hà Nội chủ yếu là rừng trồng với các loài thực vật dễ cháy, lại gắn liền với các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh có lượng khách đến tham quan đông cũng là một trong những nguyên nhân khó khăn, hạn chế trong công tác PCCC rừng…

 

- Dự báo dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm nay trời ít mưa, khô hanh kéo dài nên nguy cơ cháy rừng rất cao, vậy ngành Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai những biện pháp gì thưa ông?

 

- Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, Sở NN&PTNT đã có công văn đề nghị các huyện, thị xã có rừng, đặc biệt là huyện Sóc Sơn, nơi xảy ra nhiều vụ cháy rừng tăng cường chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và UBND cấp xã quan tâm thực hiện nhiệm vụ trên. Thường xuyên tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phát triển rừng, PCCC rừng để cán bộ, các tầng lớp nhân dân cảnh giác, ý thức trách nhiệm trong PCCC rừng. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác bảo vệ rừng, PCCC rừng. Phân công lãnh đạo UBND xã, UBND huyện, thị xã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, hiệp đồng bố trí lực lượng PCCC rừng, sẵn sàng huy động ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”. UBND các xã đang quản lý diện tích rừng và các chủ rừng trên địa bàn thực hiện nghiêm phương án PCCC đã được xây dựng. Chủ động trong mọi tình huống về phương tiện, lực lượng kịp thời xử lý khi có cháy rừng xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia chữa cháy rừng, an toàn cho người dân, tài sản của nhân dân khu vực xảy ra cháy rừng. Tổ chức kiểm tra tại các khu vực có lễ hội để bảo đảm hoạt động của lễ hội diễn ra không gây cháy rừng, ảnh hưởng đến tài nguyên rừng…

 

Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội tăng cường phối hợp với UBND cấp huyện để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCC rừng. Tổ chức lực lượng sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu…

 

- Là cánh tay nối dài của Sở NN&PTNT trong công tác phòng, chống cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội có những hành động thiết thực gì để ngăn chặn kịp thời nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu năm 2021 thưa ông?   

 

- Là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý rừng nói chung, PCCC rừng nói riêng trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân 2021, ngoài tích cực, chủ động phối hợp với lực lượng công an, quân đội và đơn vị liên quan làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCC rừng, chúng tôi phân công cán bộ trực ngăn chặn kịp thời, xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp theo quy định. Cùng với đó, tổ chức lực lượng sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có lệnh điều động của Chi cục và cấp có thẩm quyền. Đối với các hạt kiểm lâm quản lý địa bàn có rừng, chúng tôi đã phân công cụ thể phối hợp với chính quyền các địa phương có rừng hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc triển khai có hiệu quả các phương án PCCC rừng phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Tổ chức, bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ trong thời gian cao điểm cháy rừng. Thường xuyên tuần tra, kiểm tra các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, đặc biệt tại các khu vực có các hoạt động du lịch tâm linh, lễ hội… Từ đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ cháy rừng. Khi phát hiện cháy rừng phải thông báo theo quy định của pháp luật và huy động lực lượng kịp thời để tham gia chữa cháy rừng, đồng thời, báo cáo để lãnh đạo Chi cục kịp thời xử lý. Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tôi muốn nhắn nhủ, bảo vệ rừng là bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình cũng như toàn xã hội. Đây không phải vấn đề của riêng bất kỳ một ai. Vì vậy, chúng ta hãy chung tay góp sức quản lý bảo vệ rừng và làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng.

 

Trân trọng cảm ơn ông!

Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 3829
Tổng lượng truy cập: 22014411