Phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2020: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Theo dự báo, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hạn có thể kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn thành phố Hà Nội là rất cao. Để hạn chế các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, các cấp, các ngành thành phố đang chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2020.

Nguy cơ cháy rừng cao

Toàn thành phố Hà Nội có hơn 27.162ha rừng và diện tích chưa thành rừng, trong đó, rừng đặc dụng hơn 11.007ha, rừng phòng hộ hơn 5.821ha, rừng sản xuất hơn 10.332ha. Rừng của Hà Nội được phân bố ở 7 huyện, thị xã: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn và Sơn Tây. Trong công tác quản lý bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn thành phố thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND thành phố, Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, lực lượng quần chúng bảo vệ rừng của thành phố ngày càng được củng cố lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nhiệm vụ này cũng được các cấp, các ngành, nhất là chính quyền các địa phương có rừng đặc biệt quan tâm. Các huyện, thị xã có rừng đã thực hiện nghiêm túc công tác PCCCR theo phương châm “bốn tại chỗ”. Phần lớn các địa phương đều củng cố và thành lập ban chỉ đạo PCCCR từ huyện đến cơ sở, thành lập các tổ xung kích chữa cháy rừng; thường xuyên kiểm tra bảo đảm duy trì sẵn sàng huy động phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng. Một số huyện đã quyết định cấp, giao kinh phí cho các xã, đơn vị chủ động bảo đảm công tác hậu cần phục vụ PCCCR.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Đại, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ, PCCCR trên địa bàn thành phố được chú ý thực hiện bằng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền phát thanh trên hệ thống truyền thanh; tuyên truyền lưu động; in và phát tờ rơi tuyên truyền; tổ chức tuyên truyền tại các trường học cho học sinh nhằm nâng cao sự hiểu biết về PCCCR. Bên cạnh đó, công tác nâng cao kỹ năng, kỹ thuật về chữa cháy rừng cho cán bộ, tổ đội xung kích các xã vùng trọng điểm được tăng cường nên công tác tham gia chữa cháy rừng đạt hiệu quả. Các cơ quan chức năng thành phố cũng đã triển khai thực hiện giảm vật liệu cháy trước mùa khô; tổ chức hợp đồng thuê gác phát hiện sớm lửa ở những khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao…

Tuy vậy, tình trạng cháy rừng vẫn xảy ra. Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 13 vụ cháy rừng, trong đó có 9 vụ xảy ra ở huyện Sóc Sơn, 3 vụ ở huyện Ba Vì và 1 vụ ở thị xã Sơn Tây. Diện tích rừng bị cháy là hơn 13,86 ha chủ yếu là cháy thảm thực bì, không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng. Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, trở thành “quy luật khắc nghiệt”, cứ vào mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn thành phố rất cao. Nguyên nhân là do diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng kéo dài, thảm thực vật khô dày; khách du lịch vào rừng tăng, một số vụ cháy rừng do lan từ tỉnh bạn liền kề với Hà Nội. Trong khi, kinh phí đầu tư cho việc phòng, chống cháy rừng rất hạn chế; phương tiện, trang thiết bị vừa thô sơ, lạc hậu, vừa thiếu, chỉ có một số máy bơm công suất nhỏ và chủ yếu là dụng cụ chữa cháy thủ công như cuốc, xẻng, dao phát… Chế độ đãi ngộ với lực lượng tham gia chữa cháy chưa cụ thể, rõ ràng nên chưa động viên, khuyến khích mọi lực lượng tham gia công tác PCCCR một cách chủ động và tích cực…

Chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời

Dự báo của cơ quan chuyên môn, mùa hanh khô năm 2020, nguy cơ cháy rừng trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn ở mức cao nếu không có biện pháp bảo vệ hữu hiệu. Theo ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, hiện nay, tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Trước mắt, các cấp, các ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu, rộng trong dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, tự giác chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ rừng và PCCCR; thường xuyên kiểm tra và vận hành thiết bị chữa cháy, bảo đảm đáp ứng được nhu cầu chữa cháy khi có sự cố cháy xảy ra; tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng, bảo đảm xử trí và phối hợp nhanh chóng tình huống cháy rừng xảy ra…

Ông Lê Minh Tuyên cho biết, rút kinh nghiệm từ việc để xảy ra cháy rừng, song song thực hiện phương châm “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời, bảo vệ an toàn rừng”, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội vừa có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã có rừng thực hiện kế hoạch diễn tập PCCCR, trong đó, đề nghị chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn phối hợp với hạt kiểm lâm thực hiện diễn tập chữa cháy rừng cấp xã đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Về vấn đề trên, UBND thành phố Hà Nội cũng vừa có Công văn số 4835/UBND-NC ngày 6/10/2020, yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã có rừng nêu trên thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn về việc tăng cường công tác PCCCR. Trong đó, UBND các huyện, thị xã có rừng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng và triển khai phương án PCCCR, bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cáo để xử lý tình huống kịp thời, tại chỗ, không để xảy ra cháy, cháy lớn; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng trên địa bàn tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn; có phương án và sẵn sàng thực hiện sơ tán người dân khi cần thiết, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước…

Hy vọng, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, qua đó sẽ hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy rừng gây ra trong mùa khô năm nay trên địa bàn thành phố.



Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 3485
Tổng lượng truy cập: 22014411