Độ che phủ rừng của Hà Nội ước đạt 5,67%
Đó là một trong những kết quả nổi bật của công tác cơ cấu lại lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, tính đến năm 2020, vừa được Chi cục Kiểm lâm Hà Nội công bố.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực lâm nghiệp, đến nay, trên địa bàn thành phố có tổng diện tích rừng và diện tích chưa thành rừng là hơn 27.162ha. Trong đó, diện tích có rừng (bao gồm diện tích rừng trồng chưa thành rừng) là hơn 19.623ha; diện tích chưa thành rừng hơn 7.538ha. Về cơ bản rừng tự nhiên thành phố đã được bảo vệ và phục hồi, đặc biệt diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ được bảo vệ và phát triển tốt, bảo đảm chức năng phòng hộ bảo vệ môi trường và điều hòa khí hậu cho Thủ đô; đất trống đồi núi trọc cơ bản đã được phủ xanh; độ che phủ của rừng tăng từ 5,57% năm 2017 lên 5,67% năm 2020.

Trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020, trên địa bàn thành phố, diện tích rừng trồng mới được 1.336ha (trong đó rừng sản xuất 998ha; rừng phòng hộ 338ha); diện tích rừng được khoanh nuôi, tái sinh là 1.371ha và diện tích rừng được giao khoán bảo vệ 38.612ha. Bên cạnh đó, thực hiện đề án trồng rừng sinh thái và công tác cải tạo rừng, nâng cấp rừng, Hà Nội đã trồng mới được 49,5ha rừng bằng các cây trồng bản địa, nâng cấp 154,61ha rừng keo quá tuổi.

Theo ông Lê Minh Tuyên, triển khai thực hiện cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp, việc theo dõi, quản lý các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã và quản lý các cơ sở kinh doanh chế biến gỗ trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện, các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn thành phố là 188 cơ sở với số lượng là 57.734 cá thể (cấp mã số cơ sở nuôi 104 cơ sở, 40 cơ sở nuôi nhốt gấu, 44 cơ sở nuôi các loài động vật hoang dã thông thường). Còn cơ sở kinh doanh chế biến gỗ là 2.899 cơ sở, trong đó, có 258 doanh nghiệp, công ty và 2.641 hộ gia đình, cá nhân chủ yếu phân bố trong các làng nghề.

Trong giai đoạn 2018-2020, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai áp dụng hệ thống CNTT để tăng hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng, gồm: Xây dựng được quy trình kỹ thuật ứng dụng công nghệ địa thông tin (GPS, Viễn thám, GIS) cho phép giám sát diễn biến thảm thực vật rừng hằng tháng, phát hiện sớm và khoanh vẽ diện tích các khu rừng bị mất hoặc suy thoái, các diện tích đất rừng đã bị chuyển đổi; hệ thống phần mềm được nâng cấp và hoàn thiện, cho phép tự động cảnh báo sớm, phát hiện sớm lửa rừng và kịp thời truyền thông tin này đến điện thoại, Email của các nhà quản lý…

Để tiếp tục phát huy hiệu quả trong cơ cấu lại lĩnh vực lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ông Lê Minh Tuyên cho biết, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp với các cấp, các ngành tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện có, tạo môi trường sinh thái bền vững, là lá phổi xanh cho thành phố; nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 6,2%; đẩy mạnh phong trào trồng cây phân tán, cây ven đường giao thông, phấn đấu nâng tỷ lệ cây xanh từ 2-3m2/người dân hiện nay lên 8-10m2/người dân vào năm 2025 và đến năm 2030 là từ 10-15m2/người dân; tập trung làm giàu rừng tự nhiên nghèo, kiệt; cải tạo nâng cấp rừng đã trồng chất lượng kém và trồng rừng mới trên đất chưa có rừng.

Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng thông qua việc phát triển sản xuất cây dược liệu dưới tán rừng nhằm nâng cao thu nhập cho các chủ rừng, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao từ kinh tế đồi rừng, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Phấn đấu nâng mức thu nhập một hecta đất lâm nghiệp đạt 60 triệu đồng/ha/năm vào năm 2030.

Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 5380
Tổng lượng truy cập: 21987443