Cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn: Cần tích cực huy động nguồn lực xã hội
Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, tính đến nay, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch mới đạt 36,68%, nước hợp vệ sinh là 92,72%. Như vậy, mục tiêu 60% dân số khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch vào năm 2015 đã không đạt được. Nguyên nhân chủ yếu là tiến độ triển khai một số dự án chậm, một số dự án không huy động được vốn, hiệu quả tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân sử dụng nước sạch chưa cao…

 


\"\"Người dân xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai lấy nước ao ở giữa làng để sinh hoạt

Hiện nay, với diện tích 2.920 km2, dân số khoảng 4 triệu người với địa hình tương đối phức tạp và có sự phân hoá sâu sắc giữa vùng đồng bằng, đô thị so với các vùng nông thôn ngoại thành, vùng xa, việc giải quyết nước sạch và vệ sinh môi trường cho nhân dân vùng nông thôn ngoại thành là rất cấp thiết.
 
Trước những khó khăn đó, thành phố đã xác định bước đi cụ thể, đặc biệt là ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn, tổ chức đánh giá tháo gỡ khó khăn kịp thời cho từng dự án xây dựng, cấp phép hoạt động. Tính đến hết năm 2014, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 99,21%, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế 36,68%. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh 76,55%; Tỷ lệ số hộ gia đình chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh 70,16%. Tỷ lệ trường học có đủ nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 93,37%, tỷ lệ trụ sở trạm y tế xã có đủ nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 97,3%.
 
Đặc biệt, trong thời gian qua, hoạt động thông tin, truyền thông đã đạt được những kết quả khả quan. Người dân tiếp nhận và phản ứng tích cực với những nội dung truyền thông. Qua công tác truyền thông, nhận thức của người dân về nước sạch và vệ sinh môi trường đã thay đổi tích cực, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh tăng lên rõ rệt, góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sống cho nhân dân và tạo dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.
 
Đối với việc thực hiện các dự án nước sạch bằng ngân sách thành phố: các dự án ở các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh, Ứng Hoà, Phú Xuyên và Mỹ Đức... trong năm 2014 mặc dù gặp nhiều khó khăn về vốn, nhưng Sở Nông nghiệp và PTNT đã tích cực chỉ đạo Trung tâm nước sinh hoạt và VSMT nông thôn và các Ban quản lý dự án tiến hành công tác kiểm đếm, xây dựng phương án về GPMB cho các dự án, chuẩn bị sẵn mọi điều kiện để triển khai thi công khi được bố trí vốn. 
 
Đối với hoạt động của các trạm cấp nước sạch tập trung nông thôn, hiện nay, trên địa bàn nông thôn có 106 công trình cấp nước tại 16 huyện, trong đó, có 78 trạm cấp nước hoạt động ổn định với công suất thiết kế từ 300 đến 2.000m3/ngày đêm cung cấp nước ổn định cho khoảng 286.000 người và 28 trạm cấp nước không hoạt động do đang xây dựng dở dang, tạm dừng hoạt động và tạm dừng xây dựng. Để đảm bảo về chất lượng nước cho người dân sinh hoạt, các đơn vị quản lý nguồn nước đã tổ chức lấy và phân tích chất lượng nước tại 73 trạm cấp nước tập trung nông thôn đang hoạt động. Đã tổ chức lấy và phân tích 2.400/2.400 mẫu nước nhỏ lẻ hộ gia đình.
 
Theo mục tiêu của thành phố, đến năm 2015, có 60% dân số khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch mới đạt 36,68%. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt, để cải thiện được tình trạng này các sở ngành, thành phố, các doanh nghiệp cần đổi mới phương pháp, sáng tạo, nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tập trung vào những địa phương có công trình nước sạch đang xây dựng.
 
Đối với các công trình cấp nước sạch đang hoạt động, Sở Nông nghiệp và PTNT cần rà soát lại, đánh giá toàn diện về quy mô, hình thức và nhân lực quản lý, trang thiết bị kỹ thuật, giá thành, chất lượng nước, tỷ lệ thất thoát…để có giải pháp kêu gọi doanh nghiệp tiếp nhận đầu tư quản lý khai thác, mở rộng các công trình đang hoạt động thiếu hiệu quả.
 
Đối với các công trình nước sạch đang hoạt động dở dang, các sở ngành liên quan của thành phố cần tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ cho các doanh nghiệp, lắng nghe các ý kiến đề xuất, đặc biệt trình tự, thủ tục tiếp nhận đầu tư, linh hoạt trong định giá tài sản còn lại của công trình. Đối với 6 dự án cấp nước sạch tập trung liên xã được thành phố phê duyệt năm 2012, các sở ngành cần đề xuất cụ thể về quy định, quy trình, trình tự thủ tục liên quan đến chuyển đổi hình thức đầu tư, kêu gọi xã hội hoá và lựa chọn nhà đầu tư hợp lý.

Đoàn Nguyên
HANOI PORTAL

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 27625
Tổng lượng truy cập: 22036027