Một số điểm mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi năm 2020
Ngày 18 tháng 6 năm 2020, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật số 63/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021).

Theo Luật số 63/2020/QH14 có một số điểm mới như sau:

1) Bổ sung thêm hai loại văn bản quy phạm pháp luật vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: (1) Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; (2) Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

2) Sửa quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật:

- Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn: 45 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương. 10 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 07 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã.

- Văn bản quy phạm pháp luật ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua/ký ban hành, đồng thời phải được: Đăng ngay trên cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành. Đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng. Đăng Công báo chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày công bố/ký ban hành với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương;

Hoặc đăng công báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3) Mở rộng thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện/xã:

- Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định.

- Hội đồng nhân dân cấp xã ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao.

4) Bổ sung 03 trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn: (1) Trường hợp cần ban hành ngay văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (2) Trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; (3) Trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

5) Văn bản quy phạm pháp luật có thể bị đình chỉ, bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước khác: Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền.

6) Văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành vẫn có thể tiếp tục áp dụng dù quy định khác với văn bản quy phạm pháp luật mới: Trường hợp văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quy định khác với văn bản quy phạm pháp luật mới, do cùng một cơ quan ban hành, cần tiếp tục được áp dụng thì phải được chỉ rõ trong văn bản quy phạm pháp luật mới đó.

7) Bổ sung trách nhiệm của Hội đồng dân tộc trong thẩm tra một số dự án Luật, Pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết: Hội đồng dân tộc có trách nhiệm tham gia thẩm tra dự án, dự thảo do Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra để bảo đảm chính sách dân tộc khi dự án, dự thảo đó có quy định liên quan đến dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

8) Không làm phát sinh thủ tục hành chính mới khi sửa văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2016: Những quy định về thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 được ban hành trước ngày 01/7/2016 thì tiếp tục được áp dụng cho đến khi bị bãi bỏ bằng văn bản khác hoặc bị thay thế bằng thủ tục hành chính mới. Trường hợp sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính được ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì không được làm phát sinh thủ tục hành chính mới hoặc quy định thêm thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện, tăng thời gian giải quyết thủ tục hành chính đang áp dụng.

Quách Gia Quỳnh, Phó trưởng phòng Kế hoạch tài chính

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 6488
Tổng lượng truy cập: 21987443