Kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 - 10/10/2014): Hà Nội trong ngày về chiến thắng
Các nhà sử học đã tổng kết: Trong 1000 năm tồn tại và phát triển của Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô ta đã trải qua 10 cuộc chiến tranh và một cuộc tổng khởi nghĩa chống ngoại xâm. Trong số đó, ta đã thắng lợi 8 cuộc, chỉ có 2 cuộc thất bại là nhà Hồ thua quân Minh (năm 1406) và nhà Nguyễn thua quân Pháp (năm 1873, 1882). Riêng năm 1954, ta đã tiêu diệt quân Pháp ở Điện Biên Phủ, giải phóng Thủ đô. Đó là cách không trực tiếp đánh quân xâm lược ở Hà Nội mà giải phóng Thủ đô. Hôm nay, chúng ta cùng nhớ lại cách nay 60 năm, khi bộ đội ta giữ đúng lời thề khi tạm biệt Hà Nội đầu năm 1947, đã trở về Hà Nội trong niềm vui chiến thắng.

 Ngày 2/10/1954, một đoàn cán bộ hành chính vào Hà Nội ký nhận bàn giao mọi mặt với đại diện Bộ chỉ huy quân đội Pháp. Tiếp đó, một số phân đội của Đại đoàn 308 được lệnh vào trước để cùng canh gác với binh lính Pháp tại các địa điểm trọng yếu.

Ngày 8/10, gió mùa đông bắc tràn về. Trời u ám, mưa lất phất. Về chiều mưa càng nặng hạt. Phố xá cửa đóng im lìm. Tại thành Hà Nội, quân Pháp làm lễ cuốn cờ. Cũng kèn đồng rúc inh ỏi, cũng những đội lê dương xếp hàng dọc thẳng tắp. Lá cờ ba sắc của Pháp từ từ tuột xuống. Tướng Mátxông, Tư lệnh các đơn vị triệt thoái đứng dưới chân cột cờ sơn trắng, buồn rầu giơ hai tay đỡ lấy lá cờ, gấp lại làm tư rồi trịnh trọng giao cho viên quan năm Đắcgiăngxơ, viên sĩ quan kỳ cựu chuyên coi đám lính gác thành này từ ngày quân Pháp khởi hấn ở Thủ đô. Ngay tối ngày 8/10, quân Pháp đã chuyển các bộ phận nặng như pháo binh, xe tăng sang bên Gia Lâm, chỉ còn để lại trong Hà Nội hai tiểu đoàn bộ binh và một số xe thiết giáp, xe vận tải.

Hà Nội náo nức mong chờ đoàn quân chiến thắng trở về.

Không khí ngày hội khải hoàn bắt đầu đổ về vùng ngoại thành, bên ngoài các cửa ô.

Bộ đội tấp nập kéo về, người, xe xếp thành đội ngũ chỉnh tề, dọc các đường cái lớn đi vào.

Trong các làng, các thôn xã thuộc huyện Từ Liêm, huyện Thanh Trì, nhà nào nhà ấy sáng đèn, đỏ lửa, quân dân hội họp ca hát, trò chuyện thâu đêm.

Ngày 9/10/1954, tại sở chỉ huy Đại đoàn 308 đặt ở bên đường Hà Đông - Hà Nội, các chiến sĩ vui sướng, hồi hộp theo dõi từng bước đi của ba cánh quân tiến về Hà Nội theo kế hoạch đã được Bộ Tổng tư lệnh chuẩn y. Mỗi cánh quân là một tiểu đoàn:

Cánh thứ nhất, qua ô Cầu Giấy, đê La Thành, đường Hoàng Hoa Thám vào vườn hoa cạnh hồ Tây rồi vào tiếp nhận Thành Hà Nội, nhà máy điện Yên Phụ, nhà máy nước, phủ Toàn quyền.

Cánh thứ hai, theo quốc lộ số 6 qua Cầu Mới vào đến Ngã Tư Sở rẽ phải vào tiếp quản sân bay Bạch Mai, bệnh viện Bạch Mai, khu ga xe lửa Hà Nội.

Cánh thứ ba, tiếp nhận các công sở từ khu vực Việt Nam học xá (nay là khu đại học Bách Khoa Hà Nội), Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), khu hồ Hoàn Kiếm.

Đúng 16 giờ 30 phút, khi toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên cùng với viên đại tá Đắcgiăngxơ sang Gia Lâm thì cả Hà Nội bừng lên, tràn ngập cờ hoa, sắc áo, như một vườn hoa gặp tiết xuân nở rộ. Băng vải các màu căng ngang đường với những khẩu hiệu được cắt theo các kiểu chữ cầu kỳ: “Hồ Chí Minh muôn năm !”, “Hoan hô đoàn quân chiến thắng trở về !”,v.v… Cổng chào mọc lên san sát suốt dọc các phố lớn, phố nhỏ, lối vào một ngõ ngang khuất nẻo cũng có cổng chào, dăng đèn kết hoa.

Vẫn biết Hà Nội hướng về kháng chiến, vẫn biết Hà Nội ngày đêm mong đoàn quân chiến thắng trở về, vẫn biết trong những ngày này Hà Nội đang may cờ, sắm hoa đón ngày chiến thắng, nhưng những cái biết trước đó dẫu cho có mạnh đến đâu cũng không bằng sự thật sinh động đang diễn ra trước mắt đoàn quân trở về. Mới trước đó ít phút, Hà Nội còn là thành phố vắng tanh với những lo âu, mặc cảm, cửa từng nhà đóng kín, thì sau đó ít phút, cả Hà Nội bừng dậy, hồi sinh, sôi động, náo nhiệt.

Đêm hôm đó, mồng 9/10, Hà Nội nghiêm chỉnh chấp hành lệnh giới nghiêm của Ủy ban Quân chính thành phố. Nhưng cũng là một đêm giới nghiêm đặc biệt, ra ngoài khuôn khổ của từ này. Đường phố sáng rực những dây đèn kết hoa, cờ bay phấp phới, nhân dân không ai ra khỏi nhà, nhưng nhà nào cũng mở cửa đến khuya, nhiều nhà chong đèn đến sáng, mỗi lần có đội tuần tra đi qua, các cánh cửa sổ lại mở hé, bà còn trìu mến nhìn bộ đội ta hiền lành giản dị, dễ thương. Đã hơn ba nghìn đêm, kể từ tháng 9 năm 1945, quân Tưởng vào, rồi tháng 3 năm 1946 quân Pháp đến, cho đến bây giờ, Hà Nội mới có một đêm sạch bóng quân xâm lược, nên ai cũng muốn thức thật khuya để hưởng không  khí thanh bình, êm ả của đêm giải phóng, ai cũng mong có một đêm nay để làm kỷ niệm trong đời mình đã từng sống ở Thủ đô.

Ngày 10/10/1954 - một ngày lịch sử.

5 giờ sáng hết giờ giới nghiêm, cả Hà Nội nhộn nhịp, vừa có cái không khí thiêng liêng của ngày Tết truyền thống vừa có cái tưng bừng rạo rực của ngày hội lớn - Hội chiến thắng - Thủ đô được hoàn toàn giải phóng. Nhân dân quần áo chỉnh tề, cờ hoa rực rỡ, từng đoàn đứng đông nghịt trên các hè phố, các con đường được báo trước là có bộ đội sẽ đi qua…

Sáng ngày 10/10, sở chỉ huy Đại đoàn 308 di chuyển vào sân bay Bạch Mai cùng với các đơn vị bộ binh cơ giới, pháo binh, pháo cao xạ. Phía tây, trung đoàn Thủ đô tập trung ở trại Quần Ngựa. Phía đông trung đoàn 36 và trung đoàn 88 tập trung ở Việt Nam học xá (nay là khu đại học Bách Khoa).

Đại đoàn 308 tiến vào Hà Nội theo ba hướng, tất cả gặp nhau ở hồ Gươm. Dẫn đầu là trung đoàn Thủ đô, tiếp theo là trung đoàn 36, trung đoàn 88.

Hôm qua, Hà Nội rợp bóng cờ. Hôm nay Hà Nội là rừng cờ và hoa. Càng tiến sâu vào trong lòng Hà Nội, càng khó nén nổi xúc động, mắt nhòa lệ vì niềm vui gặp mặt, niềm vui về lại Thủ đô nhất là các cán bộ, chiến sĩ năm xưa đã chiến đấu trên mảnh đất này khi được lệnh ra đi đã hứa với Hà Nội “sẽ trở về”, lời hứa đó hôm nay đã thành sự thật: “ra đi hẹn  một ngày về, Ba Đình còn đó, người thề còn đây”. Từng đoàn thiếu  nữ ôm hoa đỏ ra đường tặng bộ đội, cài lên súng, tung lên xe. Những tốp thiếu nhi tay vốc từng nắm hoa giấy tung lên như thả những đàn bướm muôn màu nhỏ li ti bay sà vào những chiếc xe trận đang từ từ lăn bánh đi qua. Nhân dân hò reo phất cờ, vẫy hoa. Bộ đội đi giữa rừng cờ, rừng hoa, rừng người tươi như hoa…

Từ hồ Gươm, đoàn quân chiến thắng tiến qua các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân lên Cửa Bắc, vào thành Hà Nội, tập trung tại sân vận động Cột Cờ Hà Nội. Cùng vào tiếp quản Hà Nội với Đại đoàn 308 còn có Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304. Trung đoàn này có ba tiểu đoàn. Tiểu đoàn 265 theo đường Mễ Trì - Dịch Vọng vào tiếp quản khu Cầu Giấy. Tiểu đoàn 418 cũng theo đường Mễ Trì lên Nghĩa Đô, vào vùng Bưởi, Quần Ngựa, nhà máy da Thụy Khuê, Tiểu đoàn 346 theo đường Thanh Xuân - Cầu Mới - Ngã Tư Sở, tiến vào khu sân bay Bạch Mai, Tòa án và khu Đấu Xảo (nay là Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, phố Trần Hưng Đạo). Sau đó Trung đoàn 57 cũng về sân vận động Cột cờ. Cả Hà Nội dồn về Cột Cờ chờ đón giây phút lịch sử. Đã 70 năm kể từ ngày Hà thành thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết (1882), cột cờ do nhà Nguyễn xây dựng hết phải treo cờ Tây, cờ Nhật, cờ Tàu Tưởng rồi lại cờ Tây, giờ đây mới được mang cờ Tổ quốc. Tối qua, bộ đội công binh của Đại đoàn 308 đã lắp lên đó một ống thép nặng hai tạ, cao 12 mét, cao vút, nâng lá cờ đỏ sao vàng sừng sững hiên ngang, tung bay phần phật. Người kéo lá cờ Tổ quốc lên cao là Anh hùng lực lượng vũ Trang Nguyễn Quốc Trị.

15 giờ, còi nhà hát Thành phố nổi lên một hồi dài. Đoàn quân nhạc cử Quốc thiều theo sự điều khiện của ông Đinh Ngọc Liên, người nhạc trưởng già rất quen thuộc với nhân dân Hà Nội.

Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng - cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột Cờ Hà Nội.

Trong buổi lễ chào cờ lịch sử này, tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô:

“Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào.

Ngày nay, do quân và dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể !”.

Lời Bác thân mật, thiết tha. Nhiều người không nén được xúc động, nước mắt rưng rưng, “Hồ Chủ tịch muôn năm ! Hồ Chủ tịch muôn năm !…”. Những tiếng hô chứa chan lòng kính yêu lãnh tụ của nhân dân Thủ đô.

Người dặn dò nhân dân Thủ đô hãy “đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh.

Thư Bác vừa hết thì tiếng hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm” lại đồng thanh vàng động trong sân vận động Cột Cờ, qua loa truyền thanh truyền lan khắp các đường phố, mang lại trong lòng mỗi người dân Thủ đô một luồng gió mới, một không khí mới, thanh thản, tươi vui, tin tưởng, ấm áp tình người để ngày mai bắt tay vào xây dựng lại Thủ đô to đẹp, xứng đáng là vị trí trung tâm chính trị kinh tế, và văn hóa của cả nước.

 

 

Triệu Chinh Hiểu

HANOI PORTAL

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 2496
Tổng lượng truy cập: 22002747