Phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng chất lượng cao
Huyện Ba Vì đang tập trung phát triển chăn nuôi bò thịt ở các xã vùng núi, ven sông. Những năm gần đây người dân đã đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi bò thịt cho năng suất, chất lượng tốt và mang lại thu nhập cao cho nông dân.
 
                             Chăn nuôi bò thịt ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Sơn

Hiệu quả kinh tế cao

Chăn nuôi bò thịt được huyện Ba Vì chú trọng đầu tư, phát triển theo mô hình tập trung xa khu dân cư và an toàn sinh học. Đến nay, huyện Ba Vì đã xây dựng, phê duyệt quy hoạch vùng trọng điểm chăn nuôi bò thịt tại các xã vùng núi, ven sông. Toàn huyện hiện có 10/31 xã, thị trấn thực hiện quy hoạch và hình thành được vùng chăn nuôi bò thịt trọng điểm với tổng đàn hơn 20.000 con; quy mô bình quân đạt 5 con/hộ. Ngoài ra, huyện Ba Vì có khoảng 150 trang trại chăn nuôi bò thịt với quy mô từ 20 con trở lên; cá biệt có trang trại nuôi 80-100 con bò thịt.

Để nâng cao chất lượng đàn bò thịt, huyện Ba Vì đã hỗ trợ nông dân đưa khoa học công nghệ vào sản xuất. Hiện, dự án lai tạo giống bò BBB trên nền bò thịt lai Sind thành đàn bò lai F1 hướng thịt đang được triển khai ở 31/31 xã, thị trấn. Các hộ chăn nuôi đã sản xuất được gần 30.000 con bê lai F1 giống BBB. Trung bình một con bê lai giống BBB cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3 đến 5 triệu đồng so với các giống khác.

Nói về hiệu quả của chăn nuôi bò thịt, ông Vũ Kim Tuyền ở xã Thuần Mỹ cho biết, gia đình ông đã xây dựng 600m2 chuồng trại, trồng 2ha cỏ và ngô làm thức ăn cho bò. Năm 2018, gia đình đã đầu tư 300 triệu đồng để mua một máy cuốn rơm sau vụ gặt để làm thức ăn dự trữ cho bò. Với tổng đàn 100-120 con bò thịt, gia đình thu nhập mỗi năm 500-700 triệu đồng sau khi trừ chi phí...

Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Hưng cho biết, những năm gần đây, đời sống của người nông dân Minh Châu liên tục nâng cao nhờ chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản. Hiện nay, tổng đàn bò của xã đạt 4.357 con và tạo thành vùng sản xuất giống bò chất lượng cao cung cấp cho nhiều địa phương trong cả nước. Đến thời điểm này, Minh Châu có số lượng đàn bò thịt dẫn đầu thành phố cả về số lượng và chất lượng. Do đó, thu nhập từ chăn nuôi bò chiếm 35% tỷ trọng kinh tế toàn xã.

Xây dựng thương hiệu thịt bò Ba Vì

Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, qua theo dõi về công tác phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn huyện Ba Vì cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, chăn nuôi bò thịt trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế. Cụ thể, huyện Ba Vì chưa xây dựng được chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho ngành chăn nuôi bò thịt của huyện; chưa xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt chưa thu hút được doanh nghiệp chế biến sản phẩm bò thịt để cung cấp đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, chế biến thức ăn để tạo cơ sở chăn nuôi lớn, chăn nuôi bò thịt công nghệ cao...

Để chăn nuôi bò thịt tiếp tục phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Bá Anh, hộ chăn nuôi bò thịt ở xã Minh Châu đề nghị, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ nông dân về kinh phí thuê đất lâu dài để xây dựng chuồng trại, đầu tư cơ sở vật chất, trồng cỏ; ngoài ra hỗ trợ nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh phí xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi...

Trao đổi về chủ trương phát triển chăn nuôi của địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Hưng cho biết, thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền để nhân dân áp dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo nhằm nâng cao chất lượng đàn bò thịt; liên kết để xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi gắn với giết mổ và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị cho đàn bò thịt của địa phương...

Liên quan vấn đề trên, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông thông tin, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò thịt ở các xã nằm trong quy hoạch và có lợi thế về đất đai; đồng thời, hỗ trợ người chăn nuôi tham gia liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để bảo đảm đầu ra thuận lợi; đưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò.

Cùng những giải pháp trên, huyện tiếp tục đẩy mạnh chương trình cải tạo đàn bò thông qua phương pháp phối giống trực tiếp với bò giống lai có năng suất cao như: BBB, Zebu, Wagyu... Trên cơ sở đó, huyện Ba Vì kiến nghị các sở, ngành đề xuất thành phố tiếp tục quan tâm, hỗ trợ địa phương triển khai dự án xây dựng khu chăn nuôi bò thịt tập trung tại xã Minh Châu, xây dựng nhãn hiệu bò thịt Ba Vì...

Hy vọng với những điều kiện thuận lợi và những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, chăn nuôi bò thịt ở huyện Ba Vì sẽ ngày càng phát triển nhanh, bền vững và mang lại thu nhập cao cho người nông dân...

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 7560
Tổng lượng truy cập: 22065804