Nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao
Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản của Hà Nội phát triển nhanh, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Thủy sản trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, Hà Nội tiếp tục phát triển thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái.

 

                       Hà Nội sẽ tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Sơn Hà

- Nuôi trồng thủy sản của Hà Nội trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp Thủ đô, ông có thể cho biết khái quát về những kết quả đã đạt được?

- Trong giai đoạn 2017-2020, tăng trưởng lĩnh vực thủy sản của thành phố đạt gần 7%/năm. Thời điểm hiện tại, diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội khoảng 24.000ha (tăng 3,35% so với năm 2017), sản lượng ước đạt 120.000 tấn/năm (tăng 20,4%). Trên địa bàn thành phố đã hình thành 60 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn ở các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Oai... với tổng diện tích 7.229ha, năng suất đạt 10-12 tấn/ha/năm. Mặt khác, cơ cấu giống nuôi thả được tập trung vào các loại thủy sản có giá trị cao, thị trường tiêu thụ ổn định như: Rô phi, chép lai, trắm cỏ và một số thủy sản - đặc sản phù hợp với điều kiện môi trường thời tiết của Hà Nội. Giá trị chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chiếm 58% tổng giá trị của ngành Nông nghiệp.

Có thể nói, những thành tựu trong nuôi trồng thủy sản mà Hà Nội đạt được trong thời gian vừa qua là rất đáng ghi nhận. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, sản lượng thủy sản đã góp phần bổ sung thêm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.

- Thành tựu là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, ngành Thủy sản Hà Nội cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn phải không, thưa ông?

- Có nhiều vấn đề mà ngành Thủy sản Hà Nội chưa thể giải quyết trong ngày một, ngày hai, đó là: Các vùng nuôi chủ yếu tập trung ở nơi thấp trũng, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nên vào mùa mưa, việc tiêu thoát nước khó khăn dẫn đến thường xảy ra tình trạng úng ngập cục bộ. Chất lượng nước tại một số vùng nuôi trồng thủy sản có dấu hiệu bị ô nhiễm, rất dễ phát sinh dịch bệnh. Trong khi đó, nguồn nước thay định kỳ trong quá trình nuôi thủy sản còn hạn chế nên không nâng cao được mật độ nuôi... Mặt khác, các loại thủy sản nuôi trên địa bàn thành phố chủ yếu tiêu thụ nội địa, giá trị chưa cao nên việc đầu tư sản xuất quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao chưa được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm…

- Vậy theo ông đâu là “chìa khóa” để thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản của Hà Nội?

- Ứng dụng khoa học, công nghệ trong nuôi trồng thủy sản là giải pháp ưu tiên hàng đầu và đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn thành phố. Hiện nay, Hà Nội có khoảng 9.700ha nuôi trồng thủy sản sử dụng chế phẩm sinh học và máy quạt nước. Cùng với đó là các mô hình ứng dụng công nghệ tại Ba Vì, Ứng Hòa..., cho năng suất cao và giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi.

Đặc biệt, Hà Nội có 63 bể nuôi cá trong ao nước tĩnh theo công nghệ của Mỹ (IPA). Ưu điểm của công nghệ này là tăng tỷ lệ cá sống tới hơn 90%; giảm lượng thức ăn, hạn chế bị dịch bệnh, năng suất đạt từ 150 đến 200kg/m3. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đã có 35,88ha diện tích mặt nước và 7.631m3 lồng (22 hộ nuôi) đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP trong nuôi trồng thủy sản. Việc áp dụng công nghệ sinh học để hạn chế thay nước, giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường là xu hướng chung trong nuôi trồng thủy sản tại Hà Nội.

- Trong thời gian tới, để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Thủy sản, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp Thủ đô, cùng với việc đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, Hà Nội có những định hướng gì?

- Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu: Duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 24.000ha trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản tập trung khoảng 11.500ha; năng suất bình quân khoảng 14 tấn/ha trong đó vùng nuôi tập trung đạt năng suất 24 tấn/ha; sản lượng đạt khoảng 170.000-210.000 tấn; duy trì mức tăng trưởng lĩnh vực thủy sản bình quân 7-8%/năm.

Hà Nội sẽ phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao và an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển nuôi các giống cá chép lai, cá rô phi đơn tính, trắm cỏ và các loại thủy sản - đặc sản như: Trắm đen, cá lăng, điêu hồng...

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tham mưu với thành phố Hà Nội ban hành chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản, tránh nguy cơ gây ô nhiễm về nguồn nước và dịch bệnh. Cùng với đó, thành phố tập trung đầu tư hạ tầng cho các chợ đầu mối; tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm thủy sản; đồng thời, xây dựng các cơ sở sản xuất giống để đáp ứng yêu cầu phát triển thủy sản của thành phố và cung ứng cho các tỉnh, thành phố bạn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 6270
Tổng lượng truy cập: 21987443