Nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh
Nhằm kiểm soát dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản, Hà Nội đang triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh. Mô hình này giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bước đầu tạo hiệu quả, mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân.

 

Một mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh mang lại hiệu quả cao ở xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Giang Sơn

Ông Nguyễn Đình Vương ở xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) hiện có hơn 1ha nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn dịch bệnh, tuân thủ nghiêm quy trình; không sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng. “Trong quá trình nuôi, tôi chỉ sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường và ủ men tỏi cho cá ăn định kỳ. Với cách này, cá lớn nhanh, tiêu tốn ít thức ăn hơn so với hình thức nuôi trước đây, năng suất đạt hơn 18 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, thu lãi hơn 100 triệu đồng/ha, cao hơn 15% so với nuôi theo phương pháp quảng canh truyền thống”, ông Vương chia sẻ.

Còn theo ông Chu Văn Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Đồng Tâm ở xã Phú Đông (huyện Ba Vì), hiện xã có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn khoảng 50ha. Môi trường ao nuôi được duy trì tốt, các hộ dân có ý thức ghi chép nhật ký chăm sóc; chế độ cho cá ăn được cân đối liều lượng và số lần cho ăn hợp lý. Gần thời điểm thu hoạch, các hộ nuôi không sử dụng kháng sinh để bảo đảm sản phẩm an toàn khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, cá ở các ao nuôi phát triển tốt, năng suất đạt 18- 20 tấn/ha, chất lượng cá được người tiêu dùng đánh giá cao.

Về hiệu quả của chương trình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn dịch bệnh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, hiện nay, toàn thành phố có khoảng 23.000ha nuôi trồng thủy sản. Trung bình mỗi năm, Hà Nội hỗ trợ các địa phương xây dựng 25-30ha nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn dịch bệnh. Nhờ việc sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ, thường xuyên nên cá ít bị bệnh, năng suất cao, đạt hiệu quả kinh tế khá. Trong quá trình nuôi, người dân đều ghi chép đầy đủ nhật ký chăm sóc, tạo điều kiện cho các ngành chức năng trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Bên cạnh những kết quả khả quan, việc triển khai mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn còn khó khăn do diện tích nhỏ lẻ, manh mún; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Một số hộ dân chưa tuân thủ nghiêm quy định về ghi chép nhật ký chăm sóc trong quá trình nuôi…

Để tiếp tục mở rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn dịch bệnh, theo ông Nguyễn Văn Cường ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), các cơ quan chức năng của thành phố cần quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ dân thường xuyên được đào tạo, tập huấn về kiến thức an toàn sinh học; tiếp cận quy trình kỹ thuật nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, an toàn môi trường... Cùng với đó là hỗ trợ trong xây dựng chuỗi liên kết nuôi trồng thủy sản, ổn định khâu tiêu thụ…

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô hỗ trợ 50% giá giống, 50% chế phẩm sinh học, 50% thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các hộ nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn… Sự hỗ trợ này vừa giúp người dân tạo vùng nuôi trồng thủy sản bền vững với những sản phẩm thủy sản an toàn cho người tiêu dùng; vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 5003
Tổng lượng truy cập: 22002747