Mạng lưới thú y viên cơ sở: Chốt chặn trong phòng, chống dịch bệnh
Sau 9 năm triển khai thực hiện Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 22/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành thú y giai đoạn 2012-2020, năng lực quản lý, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trong phát triển chăn nuôi, thủy sản của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, mạng lưới thú y cơ sở của Hà Nội đã khẳng định sự “trưởng thành” cả về trình độ và năng lực quản lý về công tác chuyên môn và trở thành chốt chặn quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Nòng cốt trong giám sát dịch bệnh

Với diện tích rộng, nhiều đầu mối giao thông là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi và lưu thông hàng hóa. Song đây cũng là những khó khăn, thách thức lớn đối với Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y. Để bảo đảm an toàn dịch bệnh, ATTP, giảm thiểu thiệt hại cho cả người sản xuất và tiêu dùng, bám sát chỉ đạo của cấp trên, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 5461/QĐ-UBND ngày 23/11/2012 phê duyệt Đề án bố trí viên chức kỹ thuật chăn nuôi, thú y viên thôn bản làm việc tại các xã, phường, thị trấn thuộc Sở NN&PTNT.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho hay, sau những nỗ lực củng cố kiện toàn, đến nay, với 2.737 người gồm 556 nhân viên thú y xã, phường, thị trấn và 2.181 nhân viên thú y thôn của thành phố đã đảm nhiệm toàn bộ công tác tham mưu phát triển chăn nuôi, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh bảo đảm phát triển chăn nuôi, thủy sản hiệu quả, bền vững, góp phần cung cấp thực phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Đáng chú ý, trình độ, năng lực quản lý về công tác thú y cơ sở ngày càng được nâng lên rõ rệt. Bằng kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của mình, không chỉ tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, các ban thú y cơ sở còn chủ động triển khai và quản lý tốt dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Đơn cử, năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra, thú y viên cơ sở ở nhiều địa phương đã chủ động phối hợp các đoàn thể địa phương giám sát tận thôn, xóm, cơ sở, hộ chăn nuôi để phát hiện sớm, báo cáo kịp thời với chính quyền và cơ quan chuyên môn ngăn chặn, xử lý. Qua đó, cùng với thành phố đã khống chế thành công bệnh dịch nguy hiểm này…

Cùng với việc làm tốt công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, vệ sinh khử trùng trùng tiêu độc môi trường phòng ngừa dịch bệnh bảo vệ sản xuất, lực lượng thú y viên cơ sở của thành phố còn phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý ATTP; tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học trong phát triển chăn nuôi bền vững, xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học… Công tác phối hợp giữa thú y cơ sở và các ngành liên quan trên địa bàn thành phố cũng hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh, ATTP mang lại lợi ích cho nhân dân, nâng cao nhận thức của người chăn nuôi và cộng đồng...

Không ngừng nâng cao năng lực

Bên cạnh kết quả đạt được, sau 9 năm thực hiện Đề án bố trí viên chức kỹ thuật chăn nuôi, thú y viên thôn bản làm việc tại các xã, phường, thị trấn thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã bộc lộ một số hạn chế đó là ở một số nơi việc tham mưu cho các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm chưa kịp thời. Việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh tỷ lệ còn thấp, công tác xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến tiêu thụ sản phẩm chưa đáp ứng với tốc độ phát triển chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao (60%); nhận thức và việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là ở các vùng nông thôn nghèo; mặt khác, thời tiết khí hậu cực đoan, sự chủ quan, lơ là, chăn nuôi không bảo đảm an toàn sinh học của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ làm cho công tác khống chế dịch bệnh, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh gặp nhiều khó khăn cũng là áp lực đối với lực lượng thú y viên ở cơ sở…

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, để không ngừng nâng cao năng lực về chuyên môn, quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp tích cực với các địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Cùng với đó, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện về mọi mặt để hệ thống thú y trên địa bàn thành phố thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi và thú y…

Song song với việc khắc phục những hạn chế nêu trên, Sở NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục đề nghị UBND cấp huyện giao UBND cấp xã quan tâm bố trí phòng làm việc phù hợp cho đội ngũ thú y viên cơ sở. Theo ông Nguyễn Huy Đăng, thời gian tới, với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành thì hiệu quả hoạt động của mạng lưới thú y cơ sở trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục nâng lên cả về lượng và chất, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi ổn định…

Cổng Giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 4209
Tổng lượng truy cập: 22076432