Hà Nội ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi

Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng trong tốp đầu cả nước với tổng đàn trâu, bò trên 180 nghìn con, đàn lợn 2,04 triệu con, đàn gia cầm 31 triệu con,..., tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư vẫn chiếm tỷ lệ cao, trong khi số lượng cơ sở giết mổ tập trung hoạt động thường xuyên còn hạn chế, chủ yếu vẫn là cơ sở, điểm giết mổ và hộ kinh doanh giết mổ… vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Bên cạnh đó, Hà Nội giáp với 8 tỉnh, thành phố, hàng ngày, số lượng kiểm soát kiểm dịch nhập về trâu, bò khoảng 300 con, lợn trên 4 nghìn con, gia cầm trên 40 nghìn con và các loại động vật, sản phẩm động vật khác cho nên công tác quản lý dịch bệnh động vật kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật gặp nhiều khó khăn và rất phức tạp.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến tháng 2/2019, đã có 20 Quốc gia báo cáo có bệnh Dịch tả lợn Châu phi và các nước đã phải tiêu hủy trên 1,08 triệu con; Tại Việt Nam, đến hết ngày 9/3, dịch lan ra 12 tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội.

Tại Hà Nội, từ một ổ dịch ban đầu được phát hiện ngày 24/2 ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Tính đến chiều ngày 10/3, Bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 8 hộ/7xa, phường/5 quận/huyện trên địa bàn Thành phố (gồm Long Biên, Hoàng Mai, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn …), tổng số lợn đã phải tiêu hủy là 172 con. Nguy cơ trong những ngày tới dịch bệnh lan rông là rất cao vì tiếp giáp với một số tỉnh, thành đang có dịch, Hà Nội có tổng đàn lớn ( trên 2 triệu con, chỉ sau tỉnh Đồng Nai) trong đó chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm trên 60 %, lò mổ Vạn Phúc huyện Thanh Trì hiện giết mổ khoảng 1800 đến 2000 con/ngày trong đó 60 % nhập từ nơi khác về, bên cạnh đó thời tiết khí hậu hiện đang diễn biến phức tạp. Trước nguy cơ dịch phát tán, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Công điện của UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương Thành phố, tăng cường nhiều biện pháp để xử lý vùng dịch và ngăn chặn dịch lây lan sang các quận, huyện khác.

Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao cho Chi cục chăn nuôi và thú y phối hợp với các phòng, ban chức năng của địa phương kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch bệnh; hướng dẫn, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư, phương tiện, nhân lực, kinh phí đáp ứng yêu cầu chống dịch, hỗ trợ tiêu hủy cho người dân có lợn, sản phẩm của lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh với mức giá 38 nghìn đồng/kg.

Công tác tuyên truyền được đặc biệt chú trọng, với mục tiêu mọi người mọi nhà chủ động phòng chống dịch bệnh ngay từ cơ sở, thực hiện 5 không, 4 tại chỗ. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tuyên truyền mạnh về chính sách hỗ trợ tiêu hủy khi dịch bệnh xảy ra để người dân thực hiện tốt việc khai báo dịch bệnh, tránh trường hợp bán chạy hoặc vứt ra nơi công cộng, bãi rác, kênh mương. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngay sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT và TP Hà Nội về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, tất cả các địa phương trên địa bàn Thành phố đã có nhiều biện pháp nhằm chủ động phòng chống dịch cũng như sẵn sàng các phương án dự phòng trong trường hợp xuất hiện ổ dịch như: Xử lý tiêu độc khử trùng, chuẩn bị hố chôn lấp hợp vệ sinh môi trường... cùng với đó là tuyên truyền tới từng hộ chăn nuôi, nhờ đó, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi lợn đã chủ động sắm các thiết bị, máy phun xịt, thuốc sát trùng để hàng ngày tiêu độc, khử trùng chuồng trại, hạn chế thấp nhất sự tiếp xúc của đàn lợn với môi trường bên ngoài. Việc tăng gấp 2 - 3 lần tần suất phun khử trùng, chủ động chăn nuôi lợn an toàn sinh học đang là một trong các giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa dịch bệnh của các hộ chăn nuôi hiện nay.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y Hà Nội cho biết: Đến thời điểm này, các ổ dịch đều được phát hiện và báo cáo xử lý kịp thời. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã phối hợp với với các ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo chính quyền địa phương tiêu hủy ngay toàn bộ số lợn chết theo quy định. Đồng thời, triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh như: Rà soát, thống kê, ký cam kết; lập chốt kiểm dịch kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra, vào vùng dịch; tuyên truyền, hướng dẫn; lấy mẫu giám sát tại các hộ chăn nuôi lợn xung quanh; khử trùng tiêu độc tại hộ, tổ dân phố, xã, phường theo quy định.

Để chủ động ứng phó nhanh khi có dịch tả lợn châu Phi xảy ra, sáng ngày 7/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị chức năng các quận, huyện trên toàn thành phố tổ chức diễn tập “Các biện pháp ứng phó khẩn cấp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Thôn My Hạ, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai được lựa chọn là địa điểm diễn tập. Tình huống giả định được đặt ra là một đàn lợn tại một hộ gia đình có kết quả xét nghiệm dương tính với virut dịch tả lợn Châu Phi. Để ứng phó, lực lượng chức năng đã nhanh chóng phối hợp với chủ hộ chăn nuôi thực hiện biện pháp tiêu huỷ.

Theo quy trình tiêu huỷ, nhóm người tham gia tiêu huỷ phải thực hiện các bước: mặc quần áo bảo hộ, thực hiện quy trình làm ngất vật nuôi bằng kích điện, cho vật nuôi vào bao tải kín, trước khi vận chuyển vật nuôi phải có xe vận chuyển đã được lót bạt ni lông chống thấm. Môi trường xung quanh và tại khu vực chăn nuôi được phun khử trùng và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.

Về hố tiêu huỷ phải đảm bảo độ sâu, phủ bạt lót chống thấm, khử trùng bằng vôi và hoá chất, miệng hố đảm bảo 1,5 m so với mặt đất. Sau khi tiêu huỷ xong phải lấp đất lại, đồng thời đơn vị chức năng địa phương phải lập các chốt kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ đảm bảo không để vùng dịch phát tán.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp thắt chặt nhằm khống chế và ngăn chặn dịch phát tán diện rộng, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn do thành phố giáp với 8 tỉnh, thành có nhiều tuyến đường giao thông nên việc quản lý vận chuyển động vật và sản phẩm động vật chung và từ lợn là vô cùng khó khăn. Thành phố Hà Nội cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng dịch tại các huyện trọng điểm chăn nuôi, lập các chốt kiểm dịch vận chuyển động vật tại các chợ đầu mối, cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn trên địa bàn thành phố nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội: Trước mắt, Hà Nội tập trung một số giải pháp trọng tâm, đó là: Ngoài triển khai diễn tập phòng chống dịch, Hà Nội tiếp tục phát động đợt tẩy uế môi trường trên địa bàn thành phố (dự kiến từ ngày 15-3 đến 15-4); Tiến hành triển khai 5 Tổ công tác liên ngành (theo Quyết định 1005/QĐ-UBND ngày 1/3/2019) đi kiểm tra tất cả các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, thành lập tổ kiểm dịch lưu động để kiểm tra dịch bệnh tại các vùng giáp ranh với các tỉnh, thành có dịch; Triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các cơ sở, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả, không để lây lan diện rộng. Thực hiện việc ký cam kết với các hộ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng người bị thiệt hại theo chỉ đạo của Thành phố để người dân không bán chạy, khôi phục nhanh sản xuất

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ chết cao, lên tới 100%, khi xảy ra buộc phải tiêu hủy hoàn toàn. Vì vậy, trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, bên cạnh sự quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện của các cấp, ngành và chính quyền địa phương, cũng cần có sự chủ động tích cực của chính người chăn nuôi và người tiêu dùng, Sở NN&PTNT Hà Nội đưa ra khuyến cáo:

Đối với chính quyền địa phương và hộ chăn nuôi: Thực hiện biện pháp 5 không và 4 tại chỗ: 5 không là: Không giấu dịch; Không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh cũng như thịt lợn chết; Không vứt xác lợn bệnh, chết ra môi trường để làm phán tán dịch bệnh rộng hơn; Không sử dụng thức ăn thừa để nuôi lợn mà không qua xử lý nhiệt (nấu chín). 4 tại chỗ, là: Chỉ đạo tại chỗ; Nhân lực tại chỗ; Vật tư tại chỗ và Phương tiện tại chỗ.

Người chăn nuôi không nên quá hoang mang, cần chủ động thực hiện ngay các giải pháp phòng bệnh, chăn nuôi theo hướng ATTP, gắn với việc xây dựng liên kết chuỗi từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Vệ sinh chuồng trại thường xuyên, phun khử trùng và tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh cho đàn lợn.

Đối với người tiêu dùng: bệnh dịch tả lợn Châu Phi không khả năng lây sang người, nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay và quay lưng với sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.Về nguyên tắc, tất cả các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản mắc bệnh đều phải tiêu hủy để tránh gây bệnh. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, người dân nên mua các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là phải nấu chín thịt trước khi dùng./.

Lưu Phượng – Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 7300
Tổng lượng truy cập: 21987443