HÀ NỘI TẬP TRUNG THỰC HIỆN CÁC GIÁI PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC GIA CẦM

Hà Nội hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, luôn đứng ở tốp đầu của cả nước, với đàn trâu bò 180,3 ngàn con lợn 2,04 triệu co, gia cầm 27 triệu con, đàn chó mèo 493,5 ngàn con, đàn dê khoảng 14.749 con, đàn chim cút nuôi 4,4 triệu con. Trên địa bàn Thành phố hiện có nhiều công ty, xí nghiệp có chăn nuôi gia súc gia cầm như trạm Nghiên cứu sản xuất tinh đông lạnh Moncada, Trung tâm nghiên cứu đồng cỏ Ba Vì (thuộc Viện Chăn nuôi); Công ty giống gia súc Hà Nội, Công ty Đông Thành với số trâu bò nuôi khoảng 22.500 con (chiếm 12% tổng đàn). Có 283 công ty, xí nghiệp, HTX, Trung tâm, doanh nghiệp có chăn nuôi lợn như Công ty CP Việt Nam, Dabaco, Việt Hưng, JaFa, HTX chăn nuôi huyện Đan Phượng, Công ty cổ phần giống vật nuôi Hà Nội, HTX Hòa Mỹ, Công ty Giống gia súc Hà Nội ... với tổng đàn nuôi 450 nghìn con (chiếm tỷ lệ 22% tổng đàn lợn toàn Thành phố). Có tới 290 công ty, xí nghiệp, HTX, Trung tâm, doanh nghiệp nuôi gia cầm (với tổng đàn nuôi khoảng 2,1 triệu con, chiếm tỷ lệ 8% tổng đàn toàn thành phố).

Về hoạt động kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật, Hà Nội giáp với 8 tỉnh, thành phố, có nhiều trục đường, cửa ngõ ra vào Thành phố, vì vậy công tác quản lý dịch bệnh động vật kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật gặp nhiều khó khăn và rất phức tạp. Hàng ngày, số lượng kiểm soát kiểm dịch nhập về trâu, bò khoảng 300 con, lợn trên 4 ngàn con, gia cầm trên 40 ngàn con và các loại động vật, sản phẩm động vật khác đáp ứng nhu cầu sử dụng động vật và sản phẩm động vật khoảng 800-900 tấn/ngày. Bên cạnh đó Hà Nội hiện có 988 cơ sở, điểm giết mổ (trong đó chỉ có 07 cơ sở giết mổ Công nghiệp, 44 cơ sở bán công nghiệp). Có chợ đầu mối gia cầm lớn nhất cả nước tại Hà Vĩ (huyện Thường Tín) tiêu thụ khoảng 40-60 tấn gia cầm/ngày. Riêng lò mổ lợn Vạn Phúc (Thanh Trì) giết mổ từ 1800-2000 con/ngày. Số lượng trên có tới trên 60% nhập từ các tỉnh, thành phố khác về trong đó có cả các tỉnh từ phía Nam vận chuyển ra.

Với số lượng đầu gia súc gia cầm lớn như trên song tỷ lện chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn Thành phố hiện vẫn ở mức cao (trên 60 %), cùng việc có chợ đầu mối, nhiều cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, môi trường ở nhiều nơi ô nhiễm nặng nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao. Đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm như Cúm gia cầm, Tai xanh, Lở mồm long móng, Dại, Dịch tả Châu phi đang có nguy cơ cao lây nhiễm vào Việt Nam.

Các giải pháp được thực hiện nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội đang được tập trung triển khai:

Về chỉ đạo, ngay từ đầu tháng 01/2019 Thành phố đã ban hành Chỉ thị và Kế hoạch về công tác phòng chống dịch bệnh. Theo đó huy động cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành vào cuộc để chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh.

Về chuyên môn, ngành Thú y đã chỉ đạo mạng lưới thú y các quận huyện, các xã, phường, thị trấn với lực lượng 2353 thú y thôn bản, 584 trường thú y xã phường, được tăng cường đào tạo tập huấn tham mưu cho chính quyền địa phương, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn ngay từ cơ sở. Tập trung giám sát chặt chẽ dịch bệnh đàn gia súc gia cầm đến thôn, xóm, cụm dân cư; Duy trì nghiêm chế độ báo cáo hàng ngày theo đường dây nóng phòng, chống dịch bệnh của Thành phố (024. 33800115). Tổ chức Lấy mẫu xét nghiệm, dự tính, dự báo dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chẩn đoán dịch bệnh khi nghi ngờ có ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra.

Tiêm phòng gia súc, gia cầm, đây là việc trọng tâm để chủ động phòng chống dịch bệnh; thực hiện tiêm phòng 2 đợt đại trà/năm; Theo đó đợt 1 từ 10/3 đến 10/4, đợt 2 từ 10/9 đến 10/10/2019. tiêm bổ sung hàng tháng cho gia súc, gia cầm phát sinh, nhập đàn (các loại vắc xin được tiêm phòng gồm Cúm gia cầm, Tai xanh, Lở mổm long móng, Dại, Dịch tả ….). Đảm bảo tiêm phòng cho 100 % đàn trâu, bò, lợn nái, đực giống, đàn gia cầm sinh sản, vắc xin Dại cho đàn chó mèo đạt trên 93 % trong diện tiêm. Đối với đàn gia súc gia cầm thương phẩm tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, khuyến cáo để người người dân chủ động thực hiện. Tập trung xây dựng cơ sở An toàn dịch bệnh gia súc gia cầm lên trên 50 cơ sở để chăn nuôi phát triển bền vững hướng tới xuất khẩu. Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh Dại trong Chương trình khống chế bệnh Dại giai đoạn 2018-2011.

Thực hiện 05 đợt vệ sinh tiêu độc trên địa bàn Thành phố trong năm 2019 nhằm ngăn chặn mầm bệnh, làm sạch môi trường. Đợt 1 trước tết Nguyên Đán, đợt 2 sau tết Nguyên đán vào tháng 2/2019; đợt 3 vào cuối tháng 4/2019, đợt 4 thời điểm mùa mưa, lũ khoảng cuối tháng 7/2019, đợt 5 vào 11/2019. Dự kiến diện tích vệ sinh tiêu độc cho khoảng 350 triệu m2 ở các nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, các trang trại chăn nuôi, nơi kinh doanh, giết mổ động vật và sản phẩm động vật.

Quản lý hoạt động giết mổ, xuất nhập gia súc gia cầm tập trung thực hiện có hiệu quả việc giết mổ tập trung tại các huyện như một số mô hình giết mổ tập trung tại huyện Thanh Trì (công suất 2.000 con/ngày), Chương Mỹ 600 con/ngày, cơ sở giết mổ Minh Hiền (Thanh Oai) 800 con/ngày. Thu hút, tạo điều kiện, hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp sử dụng dây chuyền giết mổ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với chế biến.

Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và hành nghề thú y trên địa bàn. Xây dựng các chính sách phát triển chăn nuôi, nâng cao chất lượng giống gia súc gia cầm và thực hiện công tác quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn Thành phố. Tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật, sản phẩm động vật. Kiểm tra, kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra, vào Thành phố. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các trạm, chốt kiểm dịch động vật và đội kiểm dịch lưu động. Quản lý chặt chẽ hoạt động hành nghề thú y, đảm bảo việc hành nghề đúng quy định của pháp luật.

Trú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác phòng chống dịch, tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc, quản lý và sử dụng vật tư, hóa chất, vắc xin tại các cơ sở, các địa phương. Kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, đặc biệt kiểm dịch nhập về địa bàn Hà Nội. Phối hợp kiểm tra, đánh giá và phân loại các cơ sở giống; lấy mẫu thức ăn tại các cơ sở sản xuất kinh doanh giống vật nuôi và cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi để đảm bảo đàn giống và các cơ sở sản xuất thức ăn có chất lượng theo qui định. Phối hợp các tỉnh, thành phố trong công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, đặc biệt kiểm soát việc vận chuyển kinh doanh gia súc, gia cầm lưu thông trên địa bàn Hà Nội. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, hành nghề thú y làm lây lan dịch bệnh hoặc hành nghề trái phép.

Giải pháp tuyên truyền, thực tế nhiều nơi đã làm rất tốt song bên cạnh đó một số nơi chưa quan tâm chú trọng, chưa tập trung tuyên truyền về các chính sách phát triển chăn nuôi, chính sách hỗ trợ thiệt hại của Thành phố. Vì vậy ở một số nơi đã xảy ra tình trạng người chăn nuôi khi bị gia súc gia cầm mắc bệnh đã dấu dịch, không khai báo dịch bệnh gây khó khăn cho chính quyền địa phương, làm lây lan, phát tán mầm bệnh. Thời gian tới tập trung tuyên truyền mạnh về các chính sách của nhà nước, của Thành phố như việc hỗ trợ vắc xin cho đàn giống, đàn nái sinh sản, hỗ trợ thiệt hại cho gia súc gia cầm khi có dịch bệnh buộc phải tiêu thủy. Đồng thời tuyên truyền tốt Luật Chăn nuôi (có hiệu lực từ 01/01/2020), Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm để người dân thực hiện nghiêm chế độ chính sách của Nhà nước, thực hiện tốt việc phát triển chăn nuôi gắn với an toàn dịch bệnh, gắn với môi trường để đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển chăn nuôi hiệu quả bền vững.

Tiếp tục nâng cao năng lực mạng lưới thú y cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời đại công nghệ, đặc biệt trong chẩn đoán xét nghiệm phát hiện ngăn chặn các dịch bệnh mới xuất hiện trên gia súc gia cầm (như Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm A/H7N9 …). Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, dụng cụ chuyên ngành để sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra giảm thiệt hại rủi ro trong chăn nuôi, đảm bảo an sinh xã hội.

Với các giải pháp trên được các cấp các ngành vào cuộc đồng bộ, sự đồng thuận của người dân, người chăn nuôi chắc chắn công tác phòng chống dịch bệnh đàn gia súc gia cầm trên địa bàn Thành phố đạt hiệu quả, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững./.

Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1618
Tổng lượng truy cập: 22065804