Cơ cấu lại lĩnh vực thủy lợi: Đổi mới, nâng cao hiệu quả khai thác
Sau hơn 3 năm cơ cấu lại lĩnh vực thủy lợi, với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố Hà Nội bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng. Đáng chú ý, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi không những tăng năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện cho lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi chủ động chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, mà còn góp phần làm tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp…

Sau hơn 3 năm cơ cấu lại lĩnh vực thủy lợi, với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố Hà Nội bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng. Đáng chú ý, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi không những tăng năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện cho lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi chủ động chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, mà còn góp phần làm tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp…

Nhiều chuyển biến rõ nét

Hà Nội có 35.422 tuyến kênh với tổng chiều dài 20.017km; 1.837 trạm bơm điện, 376 trạm bơm dã chiến; 117 đập, hồ chứa nước các loại. Ngoài phục vụ cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh, các công trình thủy lợi còn đảm nhiệm tiêu thoát nước cho 212.889ha diện tích sản xuất nông nghiệp và khu dân cư nông thôn và đô thị. Ông Chu Văn Tuấn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, trong đó, có lĩnh vực thủy lợi, thành phố đã triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm từ rà soát hoàn thiện cơ chế chính sách, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, điều chỉnh quy hoạch. Đáng chú ý, việc nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi ngày càng chuyển biến rõ nét. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố với tổng sản lượng lương thực luôn vượt chỉ tiêu đề ra và đạt trên 1,2 triệu tấn/năm; bảo đảm đủ nước cho nuôi trồng thủy sản. Ngoài việc cung cấp nước cho đời sống dân sinh, các công trình thủy lợi còn phục vụ đắc lực công tác phòng, chống thiên tai…

Cơ cấu lại lĩnh vực thủy lợi cũng đã tạo bước chuyển mạnh về nhận thức, tư duy, hành động trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, nhất là ứng dụng các kết quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã xây dựng được bản đồ số các công trình thủy lợi vận hành trên máy chủ và hệ thống máy tính số hóa toàn bộ lớp hệ thống công trình thủy lợi trên nền bản đồ sử dụng đất tỷ lệ 1/5000. Cơ quan chuyên quản về lĩnh vực này cũng đã xây dựng Website để quản lý, cập nhật thông tin liên quan về mực nước, lượng mưa, vận hành công trình, tiến độ sản xuất phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Chưa dừng lại ở đó, thành phố luôn quan tâm đầu tư cải tạo, xây dựng mới các công trình thủy lợi. Từ năm 2008 đến nay, đã có 182 danh mục công trình thủy lợi được đầu tư cải tạo sửa chữa, nâng cấp bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế ngân sách với tổng mức đầu tư hơn 262,6 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố đã sử dụng nguồn vốn sửa chữa thường xuyên nâng cấp 2.808 danh mục công trình với tổng kinh phí gần 458,2 tỷ đồng, vốn xây dựng cơ bản 109 danh mục công trình với tổng mức đầu tư hơn 5.163 tỷ đồng. Nhờ nguồn lực đầu tư kịp thời, một số hồ chứa đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp như: Đồng Mô - Ngải Sơn (thị xã Sơn Tây) với kinh phí 71 tỷ đồng; hồ Đồng Sương (huyện Chương Mỹ) với kinh phí 67 tỷ đồng; hồ Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây) với kinh phí trên 26 tỷ đồng…

Để khắc phục tình trạng úng ngập, hạn hán xảy ra trên diện rộng, thành phố cũng đã cho phép triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm, như dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì); dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc; dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa; dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm bơm tiêu Đông Mỹ và các công trình theo quy hoạch… Một kết quả nữa không thể không nhắc tới đó là việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước cũng được triển khai thực hiện hiệu quả đối với các diện tích trồng rau màu và cây ăn quả.

Hướng tới phục vụ nhu cầu đồng bộ

Có thể nói những kết quả trong cơ cấu lại lĩnh vực thủy lợi của Hà Nội đạt được là rất lớn, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển và an sinh xã hội. Tuy vậy, do hệ thống trình thủy lợi xây dựng từ lâu, qua nhiều năm hoạt động đã bị xuống cấp, lạc hậu về công nghệ, hiệu quả quản lý, vận hành khai thác chưa cao. Một số công trình không còn phù hợp với thiết kế, sự phát triển chung của kinh tế - xã hội và sự biến đổi của khí hậu. Hầu hết các công trình thủy lợi chỉ được thiết kế để phục vụ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ nền sản xuất nông nghiệp đa dạng, hiện đại và ứng dụng công nghệ cao. Hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản cũng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Cùng với đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, công nghiệp, giao thông đã làm cản trở việc thoát lũ, gia tăng lượng nước cần tiêu thoát, gây thêm áp lực cho các hệ thống công trình thủy lợi. Trong khi đó, nhận thức của một số cơ sở và người dân chưa đúng, chưa đủ về các chính sách hiện hành trong quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, nhất là chính sách miễn, giá dịch vụ thủy lợi, dẫn đến chưa phát huy được ý thức sử dụng nguồn nước tiết kiệm và sự tham gia của người dân trong quản lý khai thác công trình thủy lợi, đặc biệt là công trình thủy lợi nội đồng.

Từ thực tiễn quản lý, Chi cục Thủy lợi đã xây dựng kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực thủy lợi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới phục vụ nhu cầu đồng bộ, hiệu quả hơn. Trong đó, Chi cục đã đề xuất Sở NN&PTNT một số nhiệm vụ giải pháp chủ yếu như: Nâng cao chất lượng quy hoạch thủy lợi, tăng cường quản lý, thực hiện theo quy hoạch; hoàn thiện cơ chế, chính sách trong công tác quản lý thủy lợi; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước… Đáng chú ý là giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin để đưa công tác quản lý về công trình thủy lợi lên một tầm cao mới như: Phần mềm số hóa bản đồ, phần mềm dự báo úng ngập, hạn hán, chất lượng nguồn nước cấp; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thiết bị, công nghệ tưới hiện đại, tiết kiệm nước, nâng cao hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp…


Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 26634
Tổng lượng truy cập: 22036027