Huyện Thạch Thất phát huy hiệu quả ngành nghề nông thôn
Trở về Thạch Thất vào những ngày cuối cùng của năm Canh Tý, điểm nổi bật dễ dàng nhận thấy ở đây đó là diện mạo nông thôn không ngừng đổi thay. Thạch Thất đang cùng nhịp đập trái tim của cả Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện vững chắc trên nhiều lĩnh vực. Có được một Thạch Thất như hôm nay là sự nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo của huyện với tinh thần làm việc quyết liệt, hiệu quả, trong đó không thể không nhắc tới công tác phát huy hiệu quả ngành nghề nông thôn.


 

Nghề trồng hoa ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất cho thu nhập cao

 

Bệ đỡ xây dựng nông thôn mới

 

Đến nay, Thạch Thất đã hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới mang lại diện mạo mới với cơ sở hạ tầng hiện đại, cuộc sống của người dân sung túc đủ đầy. Có lẽ vì vậy mà Thạch Thất mấy năm trở lại đây luôn là huyện dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực so với các huyện khu vực ngoại thành Hà Nội. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng chia sẻ, huyện hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, trong đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện với tinh thần làm việc quyết liệt, hiệu quả, cộng với đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… Không chỉ có vậy, Thạch Thất vốn nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống. Hiện, trên địa bàn có 50 làng có nghề với khoảng 14.000 hộ sản xuất, thu hút hơn 37.000 lao động nông thôn, trong đó, có 10 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống. Có thể kể đến các làng nghề nổi tiếng, như: Làng nghề cơ kim khí Phùng Xá, xã Phùng Xá; làng nghề đồ mộc - may, xã Hữu Bằng; làng nghề mây tre, giang đan, xã Bình Phú; làng nghề mộc Chàng Sơn, xã Chàng Sơn; làng nghề mộc - xây dựng ở xã Canh Nậu, Dị Nậu; làng nghề bánh chè lam thôn Thạch, xã Thạch Xá… Những năm qua, các làng nghề thủ công ở Thạch Thất đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

 

Có chuyện khá lạ, không giống những vùng quê chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến công tác phát triển ngành nghề gặp nhiều khó, nhưng Thạch Thất vẫn làm tốt nhiệm vụ này. Có lẽ vì thế mà Thạch Thất mấy năm trở lại đây, luôn là huyện đi đầu trong phát triển kinh tế nông thôn. 

 

Tìm hiểu được biết, để phát triển ngành nghề nông thôn, UBND huyện đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp trong chỉ đạo, điều hành linh hoạt, kịp thời tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ cho những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội. Qua đó, hạn chế sự tác động tiêu cực, trực tiếp đến kinh tế của huyện. Bên cạnh đó, huyện có nền sản xuất công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng lớn (trên 70%) trong tổng giá trị các ngành kinh tế, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh phần lớn là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất chủ yếu theo đơn đặt hàng, sản phẩm tiêu thụ ổn định nên ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Năm 2020, toàn huyện có thêm 205 doanh nghiệp, 1.130 hộ kinh doanh đăng ký thành lập mới. Tổng giá trị sản xuất ước đạt hơn 25.197 tỷ đồng, tăng 15,12% so với năm 2019.

  

Gắn với xây dựng nông thôn mới, Thạch Thất đã đẩy mạnh Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đến nay, toàn huyện có 49 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó, 46 sản phẩm đạt 4 sao, 3 sản phẩm sao. Mới đây, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Thạch Thất tiếp tục tổ chức chấm điểm 66 sản phẩm và đề nghị Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thành phố chấm điểm. Năm 2020, huyện tổ chức đào tạo nghề cho 805 lao động nông thôn, tạo nguồn nhân lực chất lượng, có tay nghề cao tại các làng nghề trên địa bàn.


Nhờ thực hiện nhiều nội dung nêu trên đã trở thành bệ đỡ trong xây dựng nông thôn mới của Thạch Thất. Đến nay, Thạch Thất đã có 100% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới năm 2020.

 

Lực đẩy cho giai đoạn mới

 

Sự phát triển, mở rộng các ngành nghề truyền thống trên địa bàn đã thu hút, giải quyết đáng kể việc làm cho người lao động huyện Thạch Thất và các địa phương lân cận. Sự phát triển của các ngành nghề truyền thống vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, vừa đóng góp vào ngân sách địa phương. Hiện nay, ngày công của một lao động tại các làng nghề của huyện Thạch Thất trung bình từ 250 đến 300.000 đồng/người/ngày. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 13,1 triệu đồng/người/năm, đến nay, đã tăng lên 63 triệu đồng/người/năm. Sự phát triển các ngành nghề truyền thống của huyện không những thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn góp phần duy trì, bảo tồn di sản văn hóa quý báu của thành phố Hà Nội nói chung và Thạch Thất nói riêng”, ông Hoàng Chí Lượng nói.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho biết, để ngành nghề trở thành lực đẩy trong phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, song song đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp, tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư phát triển sản xuất, Thạch Thất tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Từ thực tiễn của địa phương, Thạch Thất có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vốn, công nghệ tiên tiến phát triển làng nghề truyền thống; khuyến khích các tổ chức tín dụng, quỹ hỗ trợ tạo điều kiện cho vay vốn các tổ chức, cá nhân đầu tư, mở rộng phát triển nghề truyền thống trên địa bàn.

 

Huyện Thạch Thất cũng sẽ xem xét hỗ trợ cho các cơ sở nghề và làng nghề tham gia hội chợ triển lãm, tiếp cận thị trường. Thường xuyên giới thiệu thông tin về thị trường và các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển làng nghề hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh ngành nghề truyền thống.

 

Hy vọng, thông qua các giải pháp tích cực nêu trên, ngành nghề và làng nghề truyền thống huyện Thạch Thất sẽ ghi những dấu ấn và bứt phá mạnh mẽ. Đây là nền tảng, tiền đề để xây dựng quê hương huyện Thạch Thất văn minh, khởi sắc, giàu đẹp hơn nữa.

 

Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1927
Tổng lượng truy cập: 22014411