Hiệu quả từ đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Ứng Hòa
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới của huyện Ứng Hòa đó là công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Bằng những quyết sách đúng và trúng, công tác này đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế địa phương.



 

Công tác đào tạo nghề giúp nông dân huyện Ứng Hòa phát huy hiệu quả kinh tế nông nghiệp

 

Nhiều kết quả tích cực

 

Triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, hằng năm, huyện Ứng Hòa đều tổ chức tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về chính sách và lợi ích của học nghề. Đồng thời, khảo sát nhu cầu học nghề làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo, bố trí nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề của người lao động để tổ chức các lớp học. Trong giai đoạn 2010-2019, huyện đã mở 300 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 9.867 lao động đã qua đào tạo, trong đó, 188 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 6.040 lao động, 113 lớp phi nông nghiệp cho 3.827 lao động. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần quan trọng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp; giúp nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt trên 66,7%.

 

Thông qua các lớp đào tạo, hầu hết các học viên đều có tay nghề khá, được giới thiệu hoặc tự tìm việc làm tại các làng nghề, cơ sở sản xuất. Không chỉ có vậy, thông qua các lớp đào tạo đã giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào mô hình sản xuất nông nghiệp của gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng đơn vị canh tác. Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho biết: công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, không những trước mắt mà còn cả lâu dài. Ngay cả thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, huyện vẫn nỗ lực cao nhất, tạo mọi điều kiện có thể để tổ chức các lớp dạy nghề cho nông dân trong năm 2020. Sau thời gian cách ly xã hội để phòng, chống dịch bệnh, huyện đã mở được được 7 lớp đào tạo nghề cho 240 học viên chủ yếu là các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật và lao động nông thôn theo học.

 

Theo ông Ngô Tiến Hoàng, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của huyện Ứng Hòa, góp phần nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế nông thôn của địa phương. Chính vì vậy, phương châm đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện là gắn với giải quyết việc làm cho người lao động khu vực nông thôn. Từ đó, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã nỗ lực triển khai công tác này đạt được hiệu quả cao nhất. Chính vì vậy, 100% số xã đạt tiêu chí số 14.3 (tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo) trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Nhân rộng ngành nghề thực sự phát huy hiệu quả

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng giống nhiều địa phương của Hà Nội, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế. Điều này thể hiện ở chỗ, trong tổ chức thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn có lúc, có nơi còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành liên quan, chưa huy động được sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và doanh nghiệp. Công tác khảo sát nhu cầu lao động nông thôn học nghề có thời điểm còn hạn chế, dẫn đến có sự thay đổi, biến động của các lớp học khi tổ chức thực hiện. Các lớp học nghề nông nghiệp, có một số lớp triển khai thực hiện chưa bảo đảm đúng mùa vụ sản xuất để học viên dễ vận dụng, gắn lý thuyết với thực hành, thực tập ngay tại gia đình để đạt kết quả, hiệu quả cao hơn.

 

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do hằng năm, đội ngũ cán bộ chuyên trách theo dõi công tác đào tạo nghề cấp huyện chưa được tập huấn chuyên sâu về quản lý đào tạo nghề nên hiệu quả quản lý chưa cao, vẫn còn nhiều lúng túng trong việc tổ chức triển khai hỗ trợ lao động nông thôn học nghề cũng như kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở đào tạo. Cán bộ theo dõi công tác đào tạo nghề kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực nên ảnh hưởng đến công tác đào tạo nghề. Mặt khác, nhu cầu tuyển dụng lao động của một số doanh nghiệp giảm, ảnh hưởng đến công tác giải quyết việc làm sau đào tạo cho người lao động. Ngoài ra, trên địa bàn huyện không có cụm công nghiệp, doanh nghiệp nhỏ lẻ, tâm lý không muốn đi làm việc xa nhà của người lao động cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác hỗ trợ giải quyết việc làm sau đào tạo cho người lao động.

 

Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, huyện Ứng Hòa sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người lao động về vai trò của công tác đào tạo nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. Phương châm của huyện chỉ tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc, bảo đảm các nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Đáng chú ý, huyện sẽ tiếp tục hoàn thiện, nhân rộng các ngành nghề đã thực hiện có hiệu quả, nghiên cứu xây dựng mô hình mới dạy nghề theo đơn đặt hàng, dạy nghề gắn với các làng nghề, vùng chuyên canh, xây dựng nông thôn mới và các doanh nghiệp nhằm sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao mà tận dụng được nhân lực nông nhàn, nguyên liệu sẵn có ở địa phương.

 

Cùng với đó, huyện Ứng Hòa sẽ lồng ghép chương trình hỗ trợ lao động nông thôn phát triển sản xuất với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công theo đề án và yêu cầu thực tiễn đặt ra trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, việc triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải bảo đảm chỉ tiêu, tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Song song phát huy tốt sự phối hợp tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Ứng Hòa sẽ huy động các nguồn lực để đầu tư cho nhiệm vụ này để đạt hiệu quả cao hơn...

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8809
Tổng lượng truy cập: 21965380