Đào tạo nghề cho lao động ở Quốc Oai: Gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm
10 năm qua, gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền các cấp với doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người lao động, huyện Quốc Oai đã tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Đáng chú ý, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện không ngừng đổi mới, từng bước gắn kết với Chương mỗi xã một sản phẩm (OCOP).


Nhờ được đào tạo nghề, nông dân huyện Quốc Oai đã chuyển hướng trồng cây ăn quả theo hướng gia tăng giá trị

Phát huy lợi thế

Xác định xây dựng nông thôn mới, trong 19 tiêu chí thì tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân là “cửa ải” khó nhất. Chính vì vậy, khi triển khai Quyết định số 1956/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, các xã, thị trấn của huyện Quốc Oai đều đón nhận nhiệt tình và coi đây là nguồn lực quan trọng “tiếp sức” cho xây dựng nông thôn mới. Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, nét mới trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Quốc Oai là ngoài việc lồng ghép, gắn kết với việc triển khai các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương; đào tạo nghề xuất phát từ yêu cầu sản xuất kinh doanh, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động..., còn từng bước gắn kết chặt chẽ với Chương trình OCOP. Đơn cử, năm 2019, từ những lợi thế có nhiều làng nghề truyền thống và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, huyện đã mở 45 lớp đào tạo nghề cho 1.553 lao động nông thôn, trong đó, có 24 lớp học nghề phi nông nghiệp với 840 lao động học các nghề may công nghiệp, sản xuất hàng mây tre, giang đan, kỹ thuật điêu khắc gỗ, mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ và 21 lớp học nghề nông nghiệp với 713 lao động học các nghề chăn nuôi, thú y, chăn nuôi gà, lợn hữu cơ, trồng cây ăn quả, trồng rau hữu cơ, rau an toàn…

Trong số các nghề trên, huyện Quốc Oai cũng đã xác định mô hình điểm đào tạo nghề cho lao động nông thôn là các nghề có tuyển dụng 100% lao động sau học nghề của chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoặc hợp đồng bao tiêu sản phẩm và các nghề liên quan đến phát triển làng nghề. Như nghề may công nghiệp có 420 lao động theo học đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn; Nghề kỹ thuật điêu khắc gỗ có 70 lao động theo học với mục đích phục vụ làng nghề điêu khắc gỗ xã Ngọc Mỹ; nghề mộc dân dụng có 210 lao động theo học đáp ứng nhu cầu lao động ở các xã Nghĩa Hương, Tuyết Nghĩa… Với các địa phương có thế mạnh sản xuất nông sản sạch, tập trung đào tạo các nghề trồng rau hữu cơ, chăn nuôi, thú y… Đến nay, người lao động sau khi được đào tạo nghề đã có việc làm, thu nhập ổn định với mức trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng, không ít lao động có mức thu nhập từ 6 đến 8,5 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ đổi mới trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Quốc Oai đã khai thác lợi thế, từng bước thúc đẩy Chương trình OCOP. Riêng năm 2019, toàn huyện đã có 11 sản phẩm được thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 3-4 sao, gồm: Thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn của Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp Đồng Tâm (xã Cấn Hữu); miến dong Dương Kiên (xã Tân Hòa); giò, chả của Cơ sở chế biến giò, chả, thực phẩm Hợi Hương (xã Sài Sơn), trứng gà tươi Thành An của Hợp tác xã Nông sản thực phẩm Thành An (xã Cộng Hòa)...

Đào tạo nghề theo hướng mở, linh hoạt

Theo kế hoạch, năm 2020, huyện Quốc Oai phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận OCOP. Tuy nhiên, ngoài những khó khăn do người dân chưa hiểu về Chương trình OCOP nên chưa thu hút nhiều chủ thể tham gia thì trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, công tác khảo sát, đăng ký nhu cầu đào tạo nghề của một số xã, thị trấn chưa sát với thực tế dẫn đến không tuyển sinh được việc làm, phải chuyển sang ngành nghề khác hoặc chuyển đơn vị khác. Nguyên nhân là do một số địa phương, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác đào tạo nghề, có hiện tượng giao khoán cho các đoàn thể. Trong quá trình tổ chức đào tạo nghề, sự phối hợp giữa Ban Chỉ đạo 1956 cấp xã với đơn vị dạy nghề và chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa thường xuyên hiệu quả trong việc bố trí, động viên, đôn đốc học viên tham gia học tập theo quy định...

Để khắc phục những hạn chế trên, căn cứ vào nhu cầu thực tế của địa phương và việc đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP, huyện Quốc Oai đã có những hướng mới trong công tác tuyên truyền, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo kế hoạch, năm 2020, toàn huyện sẽ đào tạo nghề cho từ 910 lao động trở lên, trong đó, nghề phi nông nghiệp 455 lao động, nghề nông nghiệp 455 lao động trở lên. Huyện cũng đặt quyết tâm, 100% lao động sau khi học nghề có việc làm ổn định…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương, để hoàn thành mục tiêu đào tạo nghề cho lao động của năm 2020 và các năm tiếp theo, huyện sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước mắt, huyện quán triệt thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động lao động tham gia học nghề; khảo sát, lựa chọn nghề đào tạo phù hợp với từng đối tượng và phương hướng phát triển kinh tế của huyện; trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo… Đồng thời, lồng ghép công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với Chương trình OCOP. Còn về lâu dài, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho công tác đào tạo nghề; cùng với đó, đa dạng các hình thức, phương pháp đào tạo theo hướng mở, linh hoạt để phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện lao động và tập quán canh tác của địa phương.

Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1696
Tổng lượng truy cập: 22014411