Huyện Mê Linh (Hà Nội)
Nỗ lực vượt khó xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình 02-CTr/TU về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020", trong nửa nhiệm kỳ qua, huyện Mê Linh đã triển khai, thực hiện tốt nhiều mặt công tác như dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân... Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Mê Linh cũng gặp phải không ít khó khăn, khiến cho kết quả thực hiện công tác xây dựng Nông thôn mới còn nhiều hạn chế.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh

Năm 2010, huyện Mê Linh bước vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới. Với xuất phát điểm thấp, toàn huyện chỉ đạt một tiêu chí an ninh trật tự. Các tiêu chí còn lại đều đạt thấp; cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu đồng bộ; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn chỉ đạt 13,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo bình quân 8,64%... Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, sau gần 8 năm triển khai xây dựng Nông thôn mới, Mê Linh đã có 12/16 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Bốn xã còn lại là Tự Lập, Hoàng Kim, Tam Đồng, Chu Phan đã đạt và cơ bản đạt 16-18 tiêu chí.

Ðể nâng cao thu nhập cho người nông dân, huyện Mê Linh đã định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa. Huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn như: Vùng lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh trồng rau, trồng hoa… Hiện Mê Linh là huyện có diện tích trồng hoa lớn nhất Hà Nội với hơn 1.400ha; đồng thời mở rộng được hơn 12ha hoa hồng ở xã Văn Khê, cho năng suất, giá trị kinh tế cao. Huyện cung cấp 20% lượng hoa và 25% lượng rau cho thành phố, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Nói về công tác xây dựng Nông thôn mới, đồng chí Đoàn Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết: Toàn huyện hiện có 227 hộ đã được UBND huyện chấp thuận chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hiện đang phê duyệt phương án chuyển đổi cho 47 hộ. Huyện có 18 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trở thành địa phương có số mô hình ứng dụng công nghệ cao nhiều nhất thành phố. Mê Linh cũng có ba mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, thay đổi diện mạo nông thôn. Ước tính thu nhập của người dân từ chăn nuôi đạt 500 triệu đồng/ha/năm, nuôi trồng thủy sản đạt khoảng trên 500 triệu đồng/ha/năm, cây ăn quả đạt khoảng 350-400 triệu đồng/ha/năm.

Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, huyện Mê Linh luôn chú trọng đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, toàn huyện có 85 hợp tác xã nông nghiệp. Thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao. Tính đến hết tháng 8/2018 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 39,12 triệu đồng/người/năm. Dự kiến hết năm 2018 ước đạt trên 41 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 97,8%; lao động có việc làm qua đào tạo đạt 59,6%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 84,2%; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 giảm còn 2,35%...

Tập trung khắc phục khó khăn

Mặc dù Mê Linh đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp trong công tác xây dựng Nông thôn mới, tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Mê Linh cũng gặp không ít khó khăn, khiến cho kết quả xây dựng Nông thôn mới còn nhiều hạn chế.

Theo ông Đoàn Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn mang tính truyền thống. Năng suất cây trồng, vật nuôi tuy đã tăng nhưng so với mặt bằng chung của thành phố vẫn chỉ đạt ở mức trung bình. Sự liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản còn hạn chế. Các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã khẳng định được hiệu quả kinh tế nhưng việc nhân rộng vẫn chưa được triển khai đồng bộ. Bên cạnh đó, tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất còn chậm, chưa đáp ứng được nguồn lực xây dựng Nông thôn mới. Nguồn lực thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu, kinh phí đầu tư chủ yếu vẫn từ nguồn ngân sách Nhà nước. Việc huy động đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Đặc biệt, trong năm 2017, huyện Mê Linh đã đăng ký hai xã Chu Phan và Hoàng Kim đạt chuẩn Nông thôn mới, tuy nhiên, kết quả thẩm định của thành phố không có xã nào đủ điều kiện.

Nói về nguyên nhân khiến cho công tác xây dựng Nông thôn mới gặp nhiều hạn chế, đồng chí Đoàn Văn Trọng nhấn mạnh: "Về mặt khách quan, bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 tăng thêm 10 tiêu chí mới, yêu cầu của từng chỉ tiêu cao hơn so. Bên cạnh đó, trình độ dân trí của địa phương không đồng đều, một số xã thuần nông nên thu nhập bình quân đầu người chưa cao. Về nguyên nhân chủ quan, do cán bộ thực hiện công tác xây dựng Nông thôn mới từ huyện đến xã chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc đầu tư thời gian cho công tác này còn hạn chế, ảnh hưởng lớn đế tiến độ và kết quả thực hiện chương trình. Mặt khác, điều kiện kinh tế và nhận thức của nhân dân trên địa bàn các xã không đồng đều dẫn đến việc huy động nguồn lực phục vụ cho nhu cầu đầu tư, xây dựng là rất khó, chủ yếu vẫn trông chờ vào nguồn nhân sách Nhà nước".

Để hoàn thành được các mục tiêu về phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, huyện Mê Linh đã định hướng tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt chuẩn như đường giao thông, thủy lợi, trường học… Do đó, trong thời gian tới, huyện cần tích cực vận động doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân tham gia đóng góp bằng ngày công, đất đai, vật tư, hiện vật và bằng tiền… Đặc biệt, huyện Mê Linh cần tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, thực hiện nghiêm túc công tác giao ban với các xã để nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chương trình.

Khắc Nam - Báo Tuổi trẻ Thủ đô

Theo Hanoimoi.com

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8712
Tổng lượng truy cập: 21965380