Tạo lực hút, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn
Sau gần 3 năm triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), Hà Nội đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu, văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, việc bảo tồn làng nghề gắn với phát triển sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại vẫn là những thách thức lớn cần sớm được giải quyết, tạo ra lực hút, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn trong giai đoạn mới. Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Thường trực Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội - Ths.Nguyễn Văn Chí đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.


 

 

- Ông có nhìn nhận gì sau gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP của Hà Nội?

 

- Hà Nội được mệnh danh là “Đất trăm nghề” với 47/52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số 1.350 làng nghề, làng có nghề, đến nay, thành phố đã công nhận được 313 làng nghề và làng nghề truyền thống. Hà Nội có 1.090 hợp tác xã nông nghiệp, 1.543 tổ hợp tác, 1.581 trang trại, 142 chuỗi liên kết, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là những thuận lợi so với các địa phương trên cả nước trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP. 

 

Yếu tố tiên quyết nữa không thể không nhắc tới đó là sự quan tâm đặc biệt của thành phố đến lĩnh vực “Tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) thông qua các nghị quyết, chương trình, dự án. Vì vậy, việc phát triển, hoàn thiện, tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm 800-1.000 sản phẩm OCOP trong gần 3 năm qua khá thuận lợi. 

 

Là cánh tay nối dài của UBND thành phố trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai thực hiện khối lượng lớn công việc, có những công việc rất khó, lần đầu tiên va vấp. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Sở NN&PTNT đã tham mưu thành phố tổ chức 1 hội nghị cấp thành phố, 30 hội nghị cấp huyện triển khai thực hiện chương trình; tổ chức gần 170 lớp tập huấn, đào tạo quản trị sản xuất kinh doanh cho các nhà quản lý, hộ sản xuất, hợp tác xã, trang trại; đồng thời, kết nối tour, tuyến tại các điểm du lịch làng nghề, du lịch nông thôn, nâng cao năng lực về văn hóa du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP. Song song tập huấn, tổ chức hội nghị, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước, Sở NN&PTNT còn phối hợp với 40 cơ quan truyền thông tuyên truyền về chương trình, phát hành 6.000 cuốn ấn phẩm tuyên truyền về các sản phẩm OCOP để doanh nghiệp, siêu thị, tổ chức, cá nhân quan tâm tìm hiểu xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP của Hà Nội.

 

- Thưa ông, tại hội thảo góp ý xây dựng khung chương trình và giải pháp thúc đẩy Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 do Bộ NN&PTNT tổ chức vừa diễn ra, các tỉnh, thành phố đều đánh giá rất cao cách làm căn cơ, bài bản, đồng bộ của thành phố Hà Nội trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP?

 

- Như trao đổi ở trên, gắn với xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quan tâm triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Chương trình đã đi vào cuộc sống, được người dân cũng như rất nhiều chủ thể OCOP tham gia. Ở hầu hết các địa phương đã triển khai phân hạng đánh giá sản phẩm OCOP, từng sản phẩm tham gia được phân hạng theo tiêu chí đánh giá và xếp hạng từ 1 sao đến 5 sao. Trong 2 năm (2019-2020), toàn thành phố đã tổ chức đánh giá, công nhận được 1.054 sản phẩm OCOP, trong đó, có 306 sản phẩm 3 sao (chiếm 29%), 731 sản phẩm 4 sao (chiếm 69,4%), 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,6%) của 74 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã, 99 hộ sản xuất kinh doanh, qua đó giải quyết tạo việc làm cho trên 5.000 lao động khu vực nông thôn. Trong đó có 691 sản phẩm thực phẩm (chiếm 65,6%), đồ uống 30 sản phẩm (chiếm 2,8%), thảo dược 7 sản phẩm (chiếm 0,7%), vải, may mặc 27 sản phẩm (chiếm 2,6%), sản phẩm lưu niệm, nội thất và trang trí 299 sản phẩm (chiếm 28,4%). 

 


Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao chứng nhận OCOP cho các chủ thể

 

- Việc xây dựng sản phẩm được xem như một “tấm vé thông hành” để lấy lòng người tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong nước và vươn ra nước ngoài. Vậy Hà Nội đã có những hỗ trợ gì để các chủ thể OCOP đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thưa ông?

 

- Tôi khẳng định, việc xây dựng sản phẩm OCOP là hướng đi đúng, bởi khi sản phẩm được các cơ quan chức năng chứng nhận về chất lượng thì người tiêu dùng sẽ yên tâm sử dụng hơn và sản phẩm cũng dễ dàng trong thâm nhập vào siêu thị, trung tâm thương mại, xuất khẩu ra nước ngoài. Thời gian qua, chúng tôi đã tạo mọi điều kiện để các chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận kết nối giao thương thông qua nhiều hoạt động. Đáng chú ý, năm qua, trên địa bàn thành phố tổ chức 4 sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền của các tỉnh phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung và Tây Nguyên, đồng bằng Nam bộ tại không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật ẩm thực đường phố quận Tây Hồ với hàng nghìn sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của các địa phương tham gia. Đặc biệt, tại 4 sự kiện trên đã ghi nhận trên 600 biên bản hợp tác ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn với các chủ thể có sản phẩm OCOP. Không chỉ dừng lại ở đó, ngoài triển khai xây dựng 14 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn, các sở, ngành thành phố còn tổ chức hàng loạt các sự kiện, hội chợ, festival để trưng bày, quảng bá các sản phẩm OCOP của Hà Nội đến du khách trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP tiêu thụ và hợp tác giao thương…

 

Với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", chúng tôi đã tham mưu thành phố dự thảo đề án xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại thành phố Hà Nội nhằm tạo điều kiện phát triển, ươm mầm tài năng thiết kế sáng tạo hình ảnh, con người, sản vật của Việt Nam với thế giới. Đây sẽ là nơi trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Hà Nội với cả nước và bạn bè quốc tế và là nơi tổ chức các sự kiện lớn, giao lưu văn hóa vùng miền của cả nước và thế giới. Dự kiến diện tích xây dựng trung tâm này khoảng 30ha với 6 khu chức năng, trong đó có khu triển lãm, trưng bày, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước...

 

- Theo ông, kết quả triển khai thực hiện Chương trình OCOP đã đạt được là rất khả quan, nhưng thực tiễn đặt ra trong việc bảo tồn làng nghề gắn với phát triển sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại đang là những thách thức lớn, khó có thể giải quyết trong một sớm, một chiều?

 

- Phát huy kết quả đạt được và rút ra bài học kinh nghiệm trong gần 3 năm qua, chúng tôi đã tham mưu thành phố phấn đấu đến năm 2025, đánh giá, phân hạng thêm ít nhất 2.000 sản phẩm OCOP trở lên. Triển khai đề án trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại Hà Nội. Mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Hỗ trợ phát triển trung tâm bảo tồn nghề gốm tại xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) nhằm xây dựng thành trung tâm bảo tồn, phát triển sản phẩm gốm quốc gia của Việt Nam. Thành phố công nhận thêm trên 50 làng nghề, nghề truyền thống; có ít nhất 100 làng nghề, nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, 100% làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận thuộc danh mục được đánh giá tác động môi trường...

 


 

Hà Nội đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần 2-2020

 

Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, việc bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP gặp không ít khó khăn. Thực tế cho thấy, các chủ thể tham gia OCOP, cơ sở sản xuất tại làng nghề của Hà Nội đa phần đều là những hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, thiếu nguồn lực để mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa nên không dễ liên kết với các hệ thống phân phối để đưa sản phẩm vào các siêu thị, chuỗi bán lẻ. Khâu phát triển thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm cũng bộc lộ một số bất cập nên chưa nâng cao được giá trị sản phẩm cũng như tạo sức hút trên thị trường…

 

- Để khắc phục những vướng mắc, hạn chế nêu trên, với vai trò “nhạc trưởng” chủ trì triển khai thực hiện Chương trình OCOP, Sở NN&PTNT sẽ triển khai những giải pháp nào để tạo ra lực hút, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, thưa ông?

 

- Để bảo tồn, phát triển làng nghề bền vững, thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở NN&PTNT xác định và sẽ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, song song đẩy mạnh tuyên truyền, có cơ chế, chính sách khuyến khích nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, chú trọng các nghề truyền thống, cổ truyền…, chúng tôi sẽ tăng cường đào tạo bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật, tổ chức sản xuất, quản lý doanh nghiệp cho chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất tại làng nghề. Tập trung phát triển làng nghề gắn với phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng để phục vụ hiệu quả sản xuất, kinh doanh và xúc tiến thương mại; bảo tồn, phát triển làng nghề, đẩy mạnh việc nâng cấp, chỉnh trang cơ sở hạ tầng của các làng nghề phục vụ tốt hơn cho nhu cầu du lịch như xây dựng các trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe, khu vệ sinh, khu sản xuất tập trung có đủ điều kiện để làm điểm du lịch cho khách tham quan đến làng nghề. Bố trí quỹ đất để phát triển nghề, làng nghề đáp ứng mặt bằng phục vụ mở rộng sản xuất, đầu tư công nghệ mới, thân thiện với môi trường, di dời các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, bố trí mặt bằng để xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.

 

Trong định hướng phát triển, chúng tôi cũng quan tâm hơn đến khôi phục, bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống; kết hợp phát triển làng nghề với du lịch; đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật để sáng tác mẫu mã, nâng cao trình độ tay nghề cho thợ trẻ, gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn và đầu tư xử lý môi trường làng nghề để bảo đảm phát triển bền vững... Hỗ trợ thành lập doanh nghiệp trong các làng nghề, khuyến khích hình thành các mô hình liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp và các hộ sản xuất nhằm tìm kiếm thị trường, thiết kế mẫu mã, bao bì, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Hoàn thiện cơ chế để các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại làng nghề tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, vốn vay từ các ngân hàng với lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh gọn, thông thoáng… 

 

Thực hiện tốt những giải pháp nêu trên sẽ từng bước tháo gỡ những rào cản trong bảo tồn làng nghề gắn với phát triển sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Qua đó, không chỉ dừng ở nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa, câu chuyện về văn hóa của “đất trăm nghề” Thủ đô.

 

Trân trọng cảm ơn ông!

Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 6169
Tổng lượng truy cập: 22076432